Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An bày tỏ: "Chúng tôi cảm ơn công an đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm của các trung tâm".
Sáng 12.1, trong cuộc gặp báo chí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An đã có chia sẻ liên quan đến các sai phạm gần đây của Cục. Theo ông An thì bấy lâu nay, người dân khi đi đăng kiểm muốn phương tiện nhanh chóng đạt tiêu chuẩn để tiếp tục lưu hành, thậm chí có lỗi thì chi tiền bồi dưỡng, làm hư đăng kiểm viên. Một số đăng kiểm viên không có bản lĩnh, không chiến thắng được lòng tham.
Ông An đánh giá các sai phạm được phát hiện như cơn bão, sóng thần xóa đi công sức hàng chục năm mà nhiều cán bộ đăng kiểm đã xây dựng. Hiện nhiều đăng kiểm viên làm việc trong khối tư nhân hay nhà nước đều có tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất công việc.
Đại diện của Cục cho rằng là cơ quan quản lý trong lĩnh vực này, Cục Đăng kiểm có trách nhiệm xây dựng lại. Sai phạm đã xảy ra, ai sai đến đâu cần xử lý đến đó, đây cũng chính là bài học cảnh tỉnh cho toàn hệ thống đăng kiểm. Tuy nhiên, không thể cào bằng tất cả, bởi có rất nhiều những cá nhân, đăng kiểm viên thực hiện tốt, sự việc khiến họ đau lòng.
Đồng thời, ông An bày tỏ: "Chúng tôi cảm ơn công an đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm của các trung tâm, ai vi phạm người đó phải chịu trách nhiệm". Về phía Cục Đăng kiểm sẽ có những rà soát để sắp tới có cải cách, đột phá để quản lý lĩnh vực đăng kiểm vì mục tiêu cuối cùng để phục vụ nhân dân
Liên quan tới việc giải quyết tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm, ông Nguyễn Tô An giải thích do chu kỳ kiểm định cuối năm thường lớn nhất năm, phương tiện mới tăng nhiều vào cuối năm, cộng với các trung tâm bị tạm dừng hoạt động. TP.HCM có 17 trung tâm đăng kiểm, 2 chi nhánh, thì 10 đơn vị và một chi nhánh đã bị tạm dừng. Hà Nội có 30 trung tâm thì 11 đơn vị đóng cửa, Hòa Bình chỉ có một trung tâm cũng đã dừng hoạt động.
Hiện chưa bao giờ người dân phải xếp hàng kiểm định từ đêm, mất quá nhiều công sức và thời gian. "Anh em phải gồng người lên làm việc thêm giờ thêm ca, không quản ngày nghỉ. Chúng tôi đã động viên tinh thần anh em, cố gắng phục vụ người dân tốt nhất có thể", ông Tô An nói.
Để tăng tốc giải quyết công việc, Cục Đăng kiểm đã kiến nghị các máy móc bị niêm phong sẽ không sử dụng nhưng máy móc không vi phạm, Cục xin được tái sử dụng hệ thống máy móc, và đầu tư thêm máy móc mới, thiết bị mới vào thay thế và tăng cường các kiểm định viên để tháo gỡ khó khăn.
Theo ông Tô An, cho rằng sai phạm của các trung tâm đã đóng cửa là do con người, cơ sở vật chất không vi phạm nên đã kiến nghị tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất của các đơn vị này và điều chuyển đăng kiểm viên đến làm việc. Thời gian qua, Cục đã điều động 8 người đến một trung tâm ở TP.HCM vì nhiều đăng kiểm viên nghỉ phép. Hiện Cục đã lên danh sách gần 200 nhân sự để bổ sung cho các trung tâm đăng kiểm.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm đã lên danh sách rà soát lại các hệ thống và máy móc, con người để điều động người, máy móc tới các trung tâm để thay thế người vi phạm, tái hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân; đồng thời rà soát lại các trung tâm đăng kiểm của Cục để tái mở lại hoạt động, thậm chí có thể trưng dụng lại các trung tâm tư nhân để tái mở lại.
Về lâu dài, Cục Đăng kiểm sẽ xây dựng toàn diện hệ thống mới cho đăng kiểm để minh bạch, hiệu quả hạn chế tối đa tiêu cực để đem lại thuận lợi nhất cho người dân. Những xảy ra vừa là thách thức vừa là cơ hộ để lĩnh vực đăng kiểm thay đổi, và là cơ hội để chứng minh giá trị đích thực của lĩnh vực đem lại giá trị phục vụ người dân".
Chiều 11.1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam để làm rõ tội “Nhận hối lộ”. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được thực thi sau khi Viện KSND TP.HCM phê chuẩn.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra vụ án môi giới hối lộ, nhận hối lộ, đưa hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.
Tính đến nay Công an TP.HCM và các quận huyện đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm, bao gồm 5 đơn vị tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng; 8 trung tâm tại TP.HCM; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.
Công an TP.HCM cũng đã khởi tố 84 bị can về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”. Trong đó, có 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và các đối tượng môi giới.