Năm 2016 được đánh giá là thời điểm mang tính bước ngoặt với nền kinh tế Việt Nam, đây là năm nền kinh tế Việt Nam sẽ chính thức bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt nhất từ trước đến nay khi hàng loạt các hiệp định thương mại quan trọng sẽ đi vào hoạt động hoặc ký kết.

Cuộc chiến bán lẻ tại thị trường Việt Nam: Ai sẽ là chân kiềng thứ ba?

Một Thế Giới | 26/02/2016, 14:15

Năm 2016 được đánh giá là thời điểm mang tính bước ngoặt với nền kinh tế Việt Nam, đây là năm nền kinh tế Việt Nam sẽ chính thức bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt nhất từ trước đến nay khi hàng loạt các hiệp định thương mại quan trọng sẽ đi vào hoạt động hoặc ký kết.


 Nhưng, khi mà cuộc chiến ở tầm quốc gia còn chưa bắt đầu, thì một cuộc chiến khốc liệt khác đã diễn ra ngay tại thị trường nội địa. 
Việc nằm trong danh sách các nền kinh tế mới nổi năng động nhất và có tiềm năng nhất đưa Việt Nam trở thành một miếng bánh ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong việc khai thác thị trường nội địa. Quyết liệt nhất ở thời điểm hiện tại không gì khác ngoài thị trường bán lẻ, nơi được dự báo có tiềm năng lên đến 2.470 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 110 tỷ USD). Sau hơn hai năm, cuộc chiến trên thị trường bán lẻ đã dần được định hình khi nhiều khả năng một thế chân kiềng sẽ được xác lập.

Ở thời điểm hiện tại, không một lĩnh vực nào mà tác động của hội nhập kinh tế toàn diện mà Việt Nam đang tham gia lại lớn như ở thị trường bán lẻ. Nếu như chỉ cách đây hơn 3 năm, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một cái ao mênh mông, đủ chỗ cho mọi loài thủy sinh vật sinh sống cạnh nhau một cách hòa bình, với hàng loạt các thương hiệu bán lẻ từ những ông lớn như Saigon Coop, BigC cho đến những hệ thống bán lẻ có quy mô nhỏ hơn như Fivimart, Citimart, Oceanmart, Maximart, Vinatexmark. Khoảng trống thị trường bán lẻ của Việt Nam trong thời điểm đó lớn đến mức các thương hiệu thỏa sức mở rộng phạm vi kinh doanh miễn là có khả năng mà không cần phải thôn tính và sáp nhập lẫn nhau. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.

Việc Việt Nam bắt đầu có những bước chuyển kinh tế mới trong vòng gần 3 năm trở lại đây, khi tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu ổn định trở lại và nhất là việc tham gia một loạt các hiệp định thương mại quan trọng đã khiến cho hàng loạt các đại gia bán lẻ trên thế giới bắt đầu để ý đến Việt Nam. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, hàng loạt các ông lớn bán lẻ bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam, từ Lotte và Shinsegae của Hàn Quốc, cho đến Aeon của Nhật Bản hay các tập đoàn đến từ Thái Lan như TCC Group hay BJC. Cuộc đổ bộ của một loạt các đại gia bán lẻ của thế giới này vào Việt Nam trong cùng một khoảng thời gian ngắn đang tạo ra một cuộc thay đổi thứ bậc và trật tự lớn nhất trong thị trường bán lẻ Việt Nam. Cái ao bán lẻ Việt Nam giờ đây đã bắt đầu trở nên chật chội hơn và có lẽ không đủ chỗ cho tất cả các loài thủy sinh cùng sinh sống như trước.

Theo thống kê của Bộ công thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ của cả thị trường nội địa, với 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại. Nghĩa là về lý thuyết miếng bánh trên thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn đủ lớn cho tất cả các thương hiệu đã, đang và sẽ hoạt động trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác hẳn, dù hệ thống bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ của cả thị trường, nhưng đó lại là phần màu mỡ nhất của chiếc bánh và chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn trải khắp cả nước. Nói cách khác, đây là phân khúc thị trường dễ sinh lời nhất, và sự cạnh tranh của các thương hiệu bán lẻ hiện nay chủ yếu là hướng tới giành giật phần béo bở nhất này.

Thực tế này dẫn đến việc các thương hiệu bán lẻ điều chỉnh chiến lược cạnh tranh của mình thiên về hướng thâu tóm thị phần thông qua mua bán và sáp nhập thương hiệu (M&A), và cạnh tranh ở những nơi không thể tiến hành các thương vụ M&A này. Theo đó, các hệ thống bán lẻ có quy mô vừa phải nhanh chóng bị thâu tóm bởi các ông lớn có tiềm lực lớn mạnh hơn từ cả trong nước lẫn nước ngoài. Vingroup trong vòng hơn một năm qua đã lần lượt thâu tóm Oceanmart, Maximart, Vinatexmark và liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. 
Trong khi đó, Aeon của Nhật Bản lại thâu tóm Fivimart và Citimart cùng lúc với việc xây dựng và phát triển 3 trung tâm thương mại lớn và đại siêu thị thứ hai tại Hà Nội. Nhưng, nổi bật nhất trong các phi vụ thâu tóm này phải kể đến các tập đoàn Thái Lan, khi các tập đoàn Thái như BJC và TCC liên tục có các phi vụ M&A lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam, lần lượt thâu tóm các thương hiệu như Phú Thái và gần nhất là hệ thống Metro và sắp tới có thể sẽ là cả hệ thống siêu thị Big C vốn được xem là một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, cục diện trên thị trường bán lẻ Việt Nam đã dần được định hình một cách tương đối rõ rệt. Trong đó Saigon Coop vẫn đang là thương hiệu bán lẻ có quy mô lớn nhất và cũng là thương hiệu bán lẻ nội địa lớn nhất, với tổng doanh thu khoảng 27.000 tỷ đồng trong năm 2015, vượt xa các đối thủ còn lại. Hiện tại, Saigon Coop gần như độc chiếm toàn bộ thị trường bán lẻ miền Trung và đặc biệt là miền Nam với tổng cộng khoảng 80 siêu thị, 2 đại siêu thị và gần 300 cửa hàng, đưa tổng số lên tới khoảng 378. 
Hiện tương quan lực lượng giữa các ứng cử viên còn lại có thể cạnh tranh với Saigon Coop vẫn còn khá đồng đều, tuy nhiên thế cân bằng này có thể thay đổi sau khi thương vụ mua lại hệ thống Big C kết thúc. Với 32 siêu thị lớn trên toàn quốc với tổng doanh thu trong năm 2014 lên tới khoảng 12.000 tỷ đồng, thì rõ ràng ai nắm được Big C trong tay, thì người đó có thể đủ thực lực để cạnh tranh với Saigon Coop.
Hiện tại, tập đoàn TCC Thái Lan đang được xem là ứng cử viên lớn nhất cho việc thâu tóm Big C, và nếu như điều này trở thành sự thực thì TCC hoàn toàn có thể trở thành chân kiềng thứ hai trên thị trường bán lẻ Việt Nam bên cạnh Saigon Coop. Với việc sở hữu cùng lúc hai hệ thống siêu thị lớn là Metro và Big C, TCC sẽ đủ sức trở thành thế lực hàng đầu tại thị trường với tổng doanh thu có thể lên đến 33.000 tỷ đồng/năm, vượt qua cả Saigon Coop. Trong đó cả hai ông lớn này đều sẽ có phân khúc thị trường riêng và khó có thể va chạm lẫn nhau trong quá trình kinh doanh.
Tuy nhiên, kể cả khi TCC thâu tóm được Big C thì dư địa trên thị trường bán lẻ vẫn còn rất nhiều để hoàn toàn có thể xuất hiện thêm một ứng cử viên khác có thể cạnh tranh sòng phẳng với Saigon Coop và TCC. Theo tính toán, tổng doanh thu của cả Saigon Coop lẫn TCC nếu thâu tóm được Big C sẽ chỉ là khoảng trên 60.000 tỷ đồng/năm, vẫn là quá thấp so với tổng doanh thu 617.500 tỷ đồng/năm mà hệ thống bán lẻ hiện đại trên thị trường Việt Nam thu được. 
Việc tận dụng ra sao khoảng trống còn lại để vươn lên thách thức cả Saigon Coop và TCC sẽ phụ thuộc vào năng lực các ứng viên còn lại như Vingroup, Lottle, Shinsegae hay Aeon. Nếu tính theo tổng số siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc thì Vingroup đang có ưu thế nhất, khi tổng số trong hệ thống bán lẻ của tập đoàn này đang lên tới 220, chỉ kém Saigon Coop với tổng số 378 siêu thị và cửa hàng, trong khi vượt xa các đối thủ còn lại như Big C&Metro chỉ với 61 siêu thị và cửa hàng, 33 của Aeon và 11 của Lotte.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Vnexpress)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến bán lẻ tại thị trường Việt Nam: Ai sẽ là chân kiềng thứ ba?