Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hẳn không vui, trước thông tin bất ngờ về cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật, giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại sự kiện Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh từ ngày 9 đến 11.11.
Việc Nhật-Trung quyết định tiến gần hơn đến mục tiêu đối thoại về cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông cho thấy một dấu hiệu: ngoại giao có thể chưa “chết” tại khu vực này.
Hai năm qua, cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo này khiến Nhật-Trung căng thẳng, và PLA hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc căng thẳng này, khi không-hải quân PLA được giao nhiệm vụ đi đầu trong việc “khè” sức mạnh với Nhật và các nước khác.
Việc giới truyền thông Hoa ngữ đưa tin ồ ạt về hoạt động của không-hải quân giúp PLA có dư lý do để xin thêm kinh phí quốc phòng.
Nhưng nếu cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật đi đúng hướng, PLA sẽ chịu cảnh mất tầm ảnh hưởng, đúng vào lúc họ bị chỉ trích nặng về việc không tích cực ngăn chặn sĩ quan cao cấp tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 6.11, ông Tập tuyên bố bộ phận kiểm toán PLA sẽ không còn thuộc Tổng cục hậu cần PLA, và bộ phận ấy thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương mà ông Tập là Chủ tịch Quân ủy.
Một tuần trước đó, ông Tập họp Quân ủy, chỉ đạo các chính ủy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc giữ “quyền lãnh đạo tuyệt đối” trên quân đội, và quân đội cần phải tích cực nhiều hơn nữa, trong việc “xử lý kỷ luật quốc nạn tham nhũng, phát huy tinh thần kỷ luật cao hơn nữa”.
Khi ông Tập nắm quyền lực hồi cuối năm 2012, nhiều người cho rằng ông sẽ dùng các mối quan hệ quen biết trong PLA để cơ cấu quân đội thành nền tảng cho quyền lực chính trị, nhất là sau khi ông tung ra chiến dịch bài trừ tham nhũng “đả hổ đập ruồi”.
Nhiều người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ “bị choáng” vì cuộc chống tham nhũng này, và theo lý thuyết, nếu muốn tăng cường tầm lãnh đạo thì ông Tập cần sự ủng hộ của quân đội.
Nếu thế, việc thu phục thiện cảm của quân đội sẽ giúp ông Tập tăng ảnh hưởng ở Bắc Kinh.
Vấn đề là không phải tất cả giả thiết này đều thành hiện thực. Cuộc “đả hổ” của ông Tập đã “đập” hai ông tướng Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương, và Cốc Tuấn Sơn, cựu phó thủ trưởng Tổng cục hậu cần.
Giới truyền thông cũng “đấm ké” vào quân đội, lên án nạn tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ sĩ quan, ghi nhận những cáo buộc tham nhũng của PLA là gây tổn hại đến uy tín quốc gia.
Để chống lại các đợt tấn công và uy tín quân đội, PLA đã có thể giễu võ giương oai trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều nước trên biển Đông và biển Hoa Đông, nhất là với Nhật về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Khi nào bóng ma xung đột quân sự với Nhật còn hiện, lãnh đạo PLA vẫn còn có thể rung đùi tự tin, không chỉ vì họ tiếp tục có tiếng nói với Bắc Kinh, mà còn vì họ có thể “lách” được “vòng kim cô” chống tham nhũng của ông Tập.
Nay, tình cảnh của PLA xem ra không còn chắc chắn.
Nỗ lực ngăn chặn tham nhũng trong PLA của ông Tập cho thấy: ông không sợ đánh bài liều chính trị, bằng cách đẩy quân đội ra khỏi bàn hoạch định chính sách.
Kết hợp với tiềm năng hạ nhiệt căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo, có lẽ một vài tướng quân đội đang tâm tư: có khi nào họ bị hất ra khỏi phòng họp của ông Tập hay không…