Nhà nghèo, bố mẹ thất nghiệp, mẹ thường xuyên đau ốm, em trai bị trầm cảm nặng, bản thân tốt nghiệp loại giỏi trường đại học thể dục thể thao Bắc Ninh nhưng không xin được việc, Phạm Thị Thu Hằng đã cắn lưỡi tự tử và đang nguy kịch.

Cựu sinh viên Đại học thể thao Bắc Ninh cắn lưỡi tự tử vì túng quẫn

Một Thế Giới | 14/03/2016, 17:12

Nhà nghèo, bố mẹ thất nghiệp, mẹ thường xuyên đau ốm, em trai bị trầm cảm nặng, bản thân tốt nghiệp loại giỏi trường đại học thể dục thể thao Bắc Ninh nhưng không xin được việc, Phạm Thị Thu Hằng đã cắn lưỡi tự tử và đang nguy kịch.

Câu chuyện đau lòng trên vừa xảy ra cách đây ít hôm tại khu tập thể 4 tầng, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Phạm Thị Thu Hằng, 26 tuổi, cựu sinh viên chuyên sâu cờ khoa 44 Giáo dục thể chất, tốt nghiệp đại học thể dục thể thao Bắc Ninh 2 năm trước với tấm bằng loại giỏi, sau khi cắn lưỡi tự tử đang nằm mê man trong Bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Ninh. Từ khi được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh tới đây, đến nay, Phạm Thị Thu Hằng chưa tỉnh lại.
Trong căn phòng trắng toát, đầy mùi thuốc khử trùng của bệnh viện, bà Hoàng Thị Mì, 61 tuổi và ông Phạm Văn Bằng, 55 tuổi, bố mẹ của Hằng đang ngồi lau mặt cho con. Mặt con khô, cũng là lúc mắt bố mẹ ướt nhòe: “Sao mà khổ quá con ơi. Sao con cứ thở mạnh quá. Càng ngày càng nặng thế này thì bao giờ về được với bố mẹ con ơi”. Trên những giường bệnh xung quanh, có người đã rơm rớm nước mắt khi nhìn cảnh hai bố mẹ già yếu chăm con gái đang nằm thiêm thiếp.
Bà Hoàng Thị Mì kể lại: “Đó là tối thứ 6, 11.3, Hằng đi ngủ sớm, cháu nằm quay mặt vào trong, bỗng nhiên cả nhà thấy nghi ngờ rồi chạy vào lay con thì đã thấy cháu gồng người, cắn chặt lưỡi, máu chảy đầm đìa. Rất nhiều cô bác hàng xóm xung quanh xúm lại, khiêng gấp cháu đến bệnh viện cấp cứu. Máu chảy nhiều quá. Từ hôm đó tới nay cháu cứ nằm bất tỉnh, những lúc không có thuốc an thần, cháu gồng người lên để thở, răng vẫn cắn chặt”.
cuu sinh vien
 Hoàn cảnh khó khăn của gia đình Phạm Thị Thu Hằng. Căn phòng không gì đáng giá, trên giường là em trai của Hằng đang bị trầm cảm - Ảnh: Thúy Hằng

Phạm Thị Thu Hằng là con gái lớn của bà Mì. Dưới Hằng là một em trai, năm nay 22 tuổi. Bà Mì và ông Bằng đều đi bộ đội về, sau một thời gian ngắn làm xây dựng, cấp dưỡng tại Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh, hai ông bà đều nghỉ và không có tiền hưu hàng tháng.
Mỗi sáng, bà Mì bán một ít xôi, trứng luộc cho sinh viên, ông Bằng làm thợ xây tự do, ai thuê việc gì thì làm, tổng thu nhập của hai ông bà mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. Thế nhưng, cậu Phạm Văn Tiến, con trai út của ông bà năm 18 tuổi, đang học Trung cấp bỗng dưng sinh trầm cảm. Tiến chỉ ngồi trong nhà, hay nói cười một mình và không chủ động được hành vi.
Căn phòng ở tầng 3 trong khu tập thể 4 tầng của ông bà Mùi ở thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh không có thứ gì đáng giá. Giường, tủ cũ kỹ, hai chiếc ti vi bụi phủ mờ, quần áo cũ vất bừa bãi, chiếc bếp than tổ ong lạnh tanh. Trên chiếc chiếu đã sờn rách có đặt một mâm cơm, trên đó vỏn vẹn đôi đũa, chiếc bát và một ít nước mắm.
cuu sinh vien
 Những tấm bằng khen, giấy khen, bằng tốt nghiệp đại học của Phạm Thị Thu Hằng bỏ không 2 năm nay - Ảnh: Thúy Hằng

Ông Bằng tất tả lục khắp chiếc tủ, tìm giấy tờ, bằng khen của Phạm Thị Thu Hằng cho chúng tôi xen. Ngoài các giấy khen học sinh khá, giỏi các năm học phổ thông, chứng chỉ tiếng Anh, tin học, giấy khen trường đại học thể dục thể thao Bắc Ninh là tấm bằng đỏ chói tốt nghiệp đại học loại giỏi.
“Rồi cũng chẳng để làm gì cô ạ. Cháu dạy thể dục ở một trường cấp 3 dân lập, học sinh ngỗ ngược quá, sức ép tâm lý, cháu phải nghỉ. Gia đình đi vay ngân hàng được hơn 10 triệu cho cháu đi học may, cháu làm được hơn 3 tháng thì nghỉ vì làm 10 tiếng mỗi ngày, lương thấp. Cháu ở nhà, giúp mẹ bán quán. Tôi thì đi làm quần quật, nào đâu lại xảy ra cơ sự này”, ông Bằng đau xót.
Bà Mì những ngày qua, vừa chăm con, bà vừa tự trách mình, giá như bà đưa con đến bệnh viện sớm hơn, thì chắc có lẽ con đã không phải cắn lưỡi tự vẫn.
“Tôi thấy con buồn lắm, con hay khóc. Có lần giữa đêm, tôi vào nhà vệ sinh và thấy con đập đầu vào tường, tôi chạy đến ôm con. Cũng vì nhà tôi khổ quá. Hồi ra Tết, thấy con buồn phiền, bỏ ăn, tôi đưa con đi khám, bác sĩ nói con có dấu hiệu trầm cảm và nói phải đi điều trị ngay. Nhưng nhà không có tiền, tôi định bán hàng hết tháng này để thêm được ít tiền, nào đâu xảy ra cơ sự này”, bà Mì khóc.
Đã có hơn 30 triệu đồng để giúp Hằng

Tối 11.3, nếu không có sự trợ giúp của gia đình thầy giáo Đặng Hoài An, trưởng bộ môn điền kinh cử tạ, đại học thể dục thể thao Bắc Ninh, hàng xóm cùng khu tập thể 4 tầng và nhiều người dân khác, Phạm Thị Thu Hằng không biết giờ này đang ra sao.

Bằng tài khoản cá nhân facebook, thầy Đặng Hoài An đã kêu gọi mọi người ủng hộ giúp đỡ Hằng. Chung sức cùng thầy An còn có HLV bộ môn thể dục dụng cụ Trương Minh Sang. Cho đến hôm nay, số tiền mà các giáo viên, học sinh trường đại học thể dục thể thao Từ Sơn, các VĐV, HLV, anh em, bạn bè thân quen ủng hộ được ngoài 30 triệu.
“Hằng là một cô bé rất ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó, học giỏi. Hoàn cảnh đã khiến em bị quá căng thẳng, trở nên hoảng loạn. Chúng tôi mong mọi người cùng chung sức, giúp đỡ em và gia đình lúc nguy cấp này”, thầy Đặng Hoài An nói.
Theo Thúy Hằng - Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu sinh viên Đại học thể thao Bắc Ninh cắn lưỡi tự tử vì túng quẫn