Ngày 2.8, theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ vừa thành công trong việc nút động mạch phế quản cho một bệnh nhân ho ra máu lượng nhiều, có bệnh lý nội khoa cấp cứu đi kèm là nhồi máu cơ tim cấp…
Bệnh nhân là Nguyễn Thị B. (75 tuổi, ngụ TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), nhập viện và điều trị tại Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ từ 27 - 31.7. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường và lao phổi 15 năm. Bệnh phát 5 ngày, thì bệnh nhân đột ngột ho khạc ra máu tươi, lượng nhiều khoảng trên 500ml.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ phát hiện thêm bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cấp thành trước ST chênh lên ngày thứ 2. Sáng 31.7, bệnh nhân ho ra máu tái phát lượng nhiều, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ nhận định đây là trường hợp có chỉ định can thiệp nút tắc động mạch phế quản nên chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Do có thông tin từ Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, nên ngay khi bệnh nhân được chuyển đến, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực chống độc, Tim mạch, Hô hấp, Tim mạch can thiệp,.. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp ho ra máu lượng nhiều, tái đi tái lại nhiều lần, phối hợp một bệnh lý là nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên ngày thứ 2.
Bệnh nhân được chỉ định chụp CT đa lát cắt lồng ngực. Kết quả: bệnh nhân giãn phế quản hai bên, xẹp phổi phải. Kết quả hội chẩn thống nhất là chỉ định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp chụp và nút động mạch phế quản để cầm máu cấp cứu do ho ra máu trước và tiến hành can thiệp mạch vành sau, bởi vì nếu bệnh nhân còn ho ra máu tái phát lượng nhiều, có nguy cơ tử vong do mất máu cấp và suy hô hấp cấp.
Hơn nữa bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên ngày thứ 2, hiện không có chỉ định làm can thiệp mạch vành cấp cứu. Trường hợp bệnh nhân nếu có can thiệp mạch vành sau đó thì cũng phải bắt buộc can thiệp cầm máu do ho ra máu trước để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân bởi vì sau can thiệp mạch vành bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng 2 thuốc kháng kết tập tiểu cầu (là những thuốc làm tình trạng ho ra máu nặng thêm).
Ê kip đã tiến hành can thiệp nút mạch cho bệnh nhân. Dưới màn hình chụp động mạch xóa nền (DSA), bệnh nhân đã được các bác sĩ đặt một ống thông nhỏ đi từ động mạch đùi đến động mạch phế quản. Sau đó, các bác sĩ luồn chọn lọc vi ống thông lần lượt vào động mạch phế quản và ngực trong phải, chụp xác định vị trí và tiến hành bơm tắc động mạch bằng hỗn hợp... Sáng 1.8, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không ho ra máu thêm và dự kiến sẽ can thiệp mạch vành trong vài ngày tới.
Theo TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ), phương pháp truyền thống để ngăn chặn việc chảy máu và thoát ra ngoài khi ho, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp như nội soi phế quản cầm máu, phẫu thuật để kẹp cầm máu hoặc cắt thùy phổi tổn thương nếu cần. Đối với bệnh nhân này, phương pháp can thiệp nút mạch động phế quản là lựa chọn tối ưu nhất. Đây là phương pháp can thiệp tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.
Phong Phạm