Tắc mạch máu não là một dạng của đột quỵ não, thường xảy ra ở người thuộc nhóm nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao, nghiện thuốc lá.
Một bệnh nhân 80 tuổi bị đột quỵ não do tắc hoàn toàn động mạch não vừa được Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cứu sống nhờ được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Bệnh nhân là ông L.V.K. (SN 1941, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Trước lúc nhập viện 1 giờ, bệnh nhân đột ngột bị hôn mê nặng, liệt hoàn toàn 1/2 người trái. Tiền sử bệnh nhân bị tăng huyết áp vô căn.
Sau khi nhập viện cấp cứu và được thực hiện các bước cấp cứu cơ bản, chụp MRI não, các bác sĩ ghi nhận tắc động mạch cảnh trong phải. Bệnh nhân được nhanh chóng đưa sang phòng Cathlab để tiến hành chụp mạch máu não số hoá xóa nền. Kết quả ghi nhận tắc cấp hoàn toàn động mạch cảnh trong phải (đoạn động mạch mắt). Ê-kíp đã tiến hành lấy huyết khối bằng dụng cụ thành công. Sau can thiệp, chụp kiểm tra lại thấy tái thông hoàn toàn động mạch cảnh trong phải. Bệnh nhân sau đó được chuyển khoa ICU tiếp tục hồi sức tích cực.
BS.CKI Nguyễn Hữu Thái - Phó trưởng khoa Ngoại tim mạch - Can thiệp nội mạch - người tham gia thực hiện can thiệp cho bệnh nhân, chia sẻ: “Đây là một trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ cao, và tình trạng tắc mạch nghiêm trọng. Động mạch cảnh là nhánh chính, lớn nuôi não nên việc tắc cấp hoàn toàn có thể gây tổn thương não không hồi phục, di chứng tàn phế suốt đời hoặc dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và cấp cứu kịp thời”.
Tái thông nhanh và hiệu quả là cơ sở chính của điều trị đột quỵ nhồi máu não. Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long là một trong những bệnh viện đầu tiên ở ĐBSCL áp dụng kỹ thuật can thiệp mạch máu não để lấy huyết khối. Đây là một thành công trong điều trị tổn thương mạch máu não phức tạp bằng ứng dụng công nghệ tiên tiến của y học hiện đại. Những tổn thương phức tạp của mạch máu não đã có thể được điều trị đạt hiệu quả và độ an toàn cao qua một ống thông đi từ động mạch đùi lên não, không cần phẫu thuật.
Bác sĩ Thái cũng khuyên người dân nên khám tầm soát định kỳ, đặc biệt là ở các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch, nguy cơ đột quỵ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, cơn TIA (thiếu máu não thoáng qua), rung nhĩ… Nhất là khi đã phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu đột quỵ não như đột ngột nói đớ tiếng (loạn vận ngôn), yếu nửa người, méo mặt…
Một số triệu chứng khác cũng cần lưu ý như chóng mặt, đi loạng chạng không vững, đau đầu dữ dội… Khi đó, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở điều trị chuyên sâu sớm, để tận dụng được thời gian vàng trong điều trị đột quỵ não, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân. Đối với người bị đột quỵ não, trong 3 giờ đầu thời gian là vàng, vì vậy, hãy đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.