Báo cáo kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương vừa được Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Đã chuyển 4 hồ sơ dự án yếu kém của ngành công thương sang Bộ Công an

08/06/2018, 08:43

Báo cáo kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương vừa được Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình

Đánh giá khái quát của Chính phủ là sau hơn 1 năm rà soát, đánh giá và xử lý tồn tại, yếu kém đã tạo được những chuyển biến tích cực. Có hai nhà máy làm ăn có lãi là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng dự án nhà máy thép Việt - Trung. Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép đưa ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả thuộc ngành công thương 2 dự án nói trên.

Cuối quý 2 tiến hành truy tố

Theo báo cáo, toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp tới nay đều đã được tiến hành thanh tra, kiểm toán ở các cấp độ khác nhau để phát hiện các sai phạm, vi phạm pháp luật.

Kết quả cụ thể đến thời điểm hiện nay được Chính phủ báo cáo là đã có 4 dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đó là các dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Báo cáo nêu rõ, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố vụ án "cố lý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) trong đó có các sai phạm liên quan đến dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với 2 dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi), sau đó đã chuyển Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An tiếp tục thụ lý, xác minh các dấu hiệu sai phạm. Dự kiến sẽ hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị truy tố vào cuối quý 2 năm 2018.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác.

Cần trọng tài quốc tế phân xử

Xử lý tranh chấp tại các hợp đồng EPC vẫn là khó khăn lớn của nhiều dự án, theo báo cáo.

Có đến 8 dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.

Cụ thể, các dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, sản xuất đạm Hà Bắc, sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và sản xuất nhiên liệu sih học Quảng Ngãi do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế.

Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ do các bên không dàn xếp được nên hiện đã có quyết định đưa ra giải quyết tại Tòa án Trọng tài quốc tế vào tháng 11.2018.

4 dự án còn lại vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp nhưng chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và các giải pháp xử lý cuối cùng. Gồm các dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Công ty DQS và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Ngoài tranh chấp thì còn tới 5 dự án, nhà máy có vướng mắc đối với quyết toán hoàn thành dự án, mặc dù các bên đã tích cực, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý, tuy nhiên, do các khó khăn, vướng mắc đối với Hợp đồng EPC cũng như công tác định giá tài sản nên hiện vẫn chưa xử lý được. Đó là các dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Công ty DQS; dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.

Khó khăn khác là một số dự án, doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu nên gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn kinh phí để thực hiện các công việc nhằm khởi động, vận hành lại nhà máy và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gồm các dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, sản xuất đạm Ninh Bình, sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS.

Về phương hướng thời gian tới, Chính phủ khẳng định sẽ thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng để hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch.

Nguyên Vũ/VnEconomy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã chuyển 4 hồ sơ dự án yếu kém của ngành công thương sang Bộ Công an