Khoảng 100 hộ dân nằm lọt thỏm trong thung lũng thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Xung quanh là những mỏ khai thác đá, khai thác đất vây bọc. Ruộng bị tràn lấp. Người thấp thỏm vì tiếng mìn, ô nhiễm. Những tiếng kêu của người dân cứ như rên rỉ bởi tiếng mìn lấn át...

Đà Nẵng: Có một thung lũng ‘rên rỉ’ trong tiếng mìn

Một Thế Giới | 14/08/2015, 18:49

Khoảng 100 hộ dân nằm lọt thỏm trong thung lũng thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Xung quanh là những mỏ khai thác đá, khai thác đất vây bọc. Ruộng bị tràn lấp. Người thấp thỏm vì tiếng mìn, ô nhiễm. Những tiếng kêu của người dân cứ như rên rỉ bởi tiếng mìn lấn át...

Xứ khốn khổ

Hòa Nhơn là xã có nhiều mỏ khai thác khoáng sản đất đá ở vùng cửa ô phía tây nam của Đà Nẵng. Đi dọc QL 14, xe tải cứ nườm nượp. Đi vào sâu trong các mỏ, không khó để thấy ‘chim lợn’ nếu có hành động lạ.

Ông Nguyễn Tấn Phát, chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, đây là nơi cung cấp nguyên liệu xây dựng nhiều cho thành phố. Hiện có 2 mỏ đất, 7 mỏ đá được cấp phép đang khai thác, chủ yếu tập trung ở thôn Phước Thuận.

Da Nang: Co mot thung lung ‘ren ri’ trong tieng min-hinh-anh-1
 Những mỏ khai thác khoáng sản ở xã Hòa Nhơn.

Thôn Phước Thuận là một thung lũng nằm sâu trong núi. Đứng ở giữa nhìn xung quanh toàn thấy các mỏ đất và mỏ đá. Trên đường làng, bà Đặng Thị Bé đang rải mấy cái ghế nhựa ra giữa đường. Bà nói: “Xã quy định 11 giờ 30 đến 13 giờ 30, các xe chở đất đá phải nghỉ chạy nhưng họ vẫn chạy liên tục khiến chúng tôi không nghỉ được. Mà nếu có chạy thì chạy chậm chậm, chứ đường làng mà họ vẫn chạy ào ào nên bụi bay mù mịt. Tui phải bỏ mấy cái ghế rứa cho họ chạy chậm lại. Lúc nãy tui gác cái thang, có cái xe chạy gãy tan. Tí nữa về ông chồng chắc chửi tui quá”.

Da Nang: Co mot thung lung ‘ren ri’ trong tieng min-hinh-anh-2
 Người dân rải chướng ngại vật hạn chế xe chạy nhanh trong thôn.

Nhà cạnh bên, ông Đinh Ngọc Ngô, ghé qua trò chuyện ban trưa. Nhắc đến chuyện các mỏ đất đá, ông Ngô như có chỗ trút tấm lòng. Ông kể: “Đây là một cái thung lũng, nay, chưa mưa là lụt, chưa nắng là hạn. Quanh đây có khoảng chục mỏ đá, nổ mìn, chuyên chở, bụi bay mù mịt”.

“Hai mươi năm trước, ở đây rất an lành. Thời đó, tui làm Kế hoạch trưởng Hợp tác xã 2 Hòa Nhơn. Đất đai mênh mông, núi đồi tốt tươi, lúc đó chúng tôi vào đây là đi ‘kinh tế mới’. Những mỏ khai thác này khoảng hai chục năm rồi. Từ đó, cua, ốc biến mất dần. Ruộng đồng bị chôn lấp. Chúng tôi giờ cũng không còn ruộng mà làm”, ông Ngô kể.

Bà Hà Thị Bốn, vợ ông Ngô cho biết nhà bà có 3,5 sào ruộng thì đều bị đất đá từ các mỏ đất đá bồi lấp. Ruộng nương bị ảnh hưởng khoảng 11 năm nay nhưng bắt đầu được bồi thường khoảng 3 năm nay.

“Ruộng tui trước làm 2 vụ, mà giờ làm 1 vụ cũng không xong. Đất lấp hết nên mỏ họ mới đền bù cho 1 năm/1 sào/1,250 triệu đồng/1 vụ. Cũng được. Nhưng tui hỏi. Sau ni, vài năm nữa, họ khai thác xong rồi bỏ đi, thì ai đền bù tiền cho chúng tôi, trong khi ruộng đã bị lấp?”, bà Bốn thắc mắc.

Da Nang: Co mot thung lung ‘ren ri’ trong tieng min-hinh-anh-3
 Ông Ngô kể về cuộc sống khó khăn từ khi các mỏ đất đá bao vây thôn Phước Thuận.

Khổ vì mất ruộng, dân Phước Thuận còn khổ vì ô nhiễm đủ thứ vì bị bao bọc chung quanh bởi các mỏ khoáng sản. Ông Ngô kể: “Chú nhìn quanh đi, bụi đường, bụi từ mỏ đá, thuốc nổ, từ trạm bê tông tươi…Hàng ngày trẻ con, người lớn chúng tôi hứng hết. Chưa nói là nước sạch trong thôn ni chưa có, mà nước giếng thì ngày càng có mùi. Thuốc nổ nó ngấm xuống. Cua cá cũng mất hết mà”.

Ông Ngô còn nói trong làng người chết trẻ rất nhiều, từ thằng Lanh, thằng Tâm, đến nay là 7 thằng. Không biết chúng nó chết vì bệnh gì. Nhưng rất hoang mang.

Ngay cả gia đình ông Ngô, 4 đứa con nay đều bị viêm gan B. “Nhà không có tiền nên chẳng biết khám bệnh là gì. Mấy đợt tui khuyên chúng đi hiến máu nhân đạo thì mới phát hiện ra bị như vậy. Họ không nhận máu”.

Da Nang: Co mot thung lung ‘ren ri’ trong tieng min-hinh-anh-4
 Xe tải rầm rộ chở đất đá ra vào ở thôn Phước Thuận.

“Giờ lứa già như chúng tôi bệnh tật thế nào cũng được chứ nhìn lũ nhỏ mà bệnh này bệnh nọ thì tội lắm. Nên tui nói dân tui cần con đường sống chứ không cần con đường tiền. Họp cử tri ý kiến nhiều nhưng rồi cũng chẳng thấy thay đổi gì. Chúng tôi chỉ muốn được di dời khỏi đây, cho chúng tôi ở một nơi nào đó không bị ô nhiễm thế này là đỡ rồi. Được mỗi ông Nguyễn Bá Thanh mà giờ ông mất rồi không nhờ được. Chứ nếu có ổng thì đội nón lên gặp nói tiếng, dù không được cũng hả lòng vì có người lãnh đạo nghe thấu nỗi lòng”, ông Ngô kể khổ.

Di dời dân là tốt nhất

Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát thừa nhận có tình trạng cuộc sống người dân thôn Phước Thuận bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác đất đá.

“Có khoảng 100 hộ dân trong đó xen lẫn với các mỏ khoáng sản được cấp phép. Theo chúng tôi thì nếu thành phố tạo điều kiện di dời các hộ dân đến một nơi khác tái định cư là biện pháp ổn thỏa nhất. Vì hoạt động khai thác tất nhiên sẽ gây ô nhiễm, nhưng cũng không vì khai thác khoáng sản mà để ảnh hưởng nhiều đến người dân. Nên cũng mong các anh giúp một tiếng nói”, ông Phát cho biết.

Da Nang: Co mot thung lung ‘ren ri’ trong tieng min-hinh-anh-5
 Những mỏ đất đá nằm quanh nhà dân ở Phước Thuận.

Theo ông Phát, hiện toàn xã Hòa Nhơn có khoảng 7 xứ đồng bị tràn lấp đất do hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, cũng chỉ chọn được phương án đền bù theo sản lượng từng năm cho người dân. Xã hiện cũng đang tính đến phương án chuyển đổi cây trồng, như trồng cỏ nuôi bò để người dân có sinh kế khi ruộng bị lấp dần.

Da Nang: Co mot thung lung ‘ren ri’ trong tieng min-hinh-anh-6
 Những mỏ khai thác khoáng sản sau khi bị bỏ lại.
“Lúc làm ăn được, các mỏ đóng ngân sách cho xã một năm khoảng vài trăm triệu. Tuy nhiên, nhiều hậu quả của hoạt động khai thác cũng rất đáng lo như ô nhiễm bụi, bùn đất, mưa rửa trôi đất bề mặt làm lấp ruộng dân. Hay như ở thôn Thạch Nham đang có hiện tượng cạn nguồn nước. Chúng tôi chỉ kiến nghị thành phố phải có biện pháp để khi doanh nghiệp khai thác xong phải hoàn trả lại mặt bằng. Đồng thời, nếu được thì có phương án di dời 100 hộ dân ở thôn Phước Thuận để đảm bảo ổn định đời sống những người dân này là tốt nhất”, ông Phát chia sẻ.
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng: Có một thung lũng ‘rên rỉ’ trong tiếng mìn