Trong 9 tháng đầu năm 2017, TP.HCM chỉ vận động được 1.344 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tỷ lệ này chỉ đạt 6,72% so với chỉ tiêu mà UBND TP.HCM đặt ra trong năm nay là 20.000 doanh nghiệp.

Đa số hộ kinh doanh TP.HCM ngại ‘lên đời’ thành doanh nghiệp

Phan Diệu | 23/10/2017, 15:09

Trong 9 tháng đầu năm 2017, TP.HCM chỉ vận động được 1.344 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tỷ lệ này chỉ đạt 6,72% so với chỉ tiêu mà UBND TP.HCM đặt ra trong năm nay là 20.000 doanh nghiệp.

Theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến tháng 10.2017, thành phố có hơn 192.000 doanh nghiệp và 247.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, thành phố chỉ vận động được 1.344 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Con số này chỉ đạt 6,72% so với chỉ tiêu mà UBND TP.HCMđặt ra trong năm 2017 là 20.000 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, nguyên nhân chính khiến nhiều hộ kinh doanh không chịu chuyển đổi thành doanh nghiệp phần lớn là do buôn bán với quy mô nhỏ, mang tính truyền thống gia đình nên không có nhu cầu phát triển lên doanh nghiệp.

Mặt khác, một bộ phận hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi lên doanh nghiệp đang gặp khó trong việc chuyển đổivới thủ tục hành chính phức tạp. Khi phát triển thành doanh nghiệp, đa phần các hộ kinh doanh phải bổ sung nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị, hồ sơ kế toán... làm phát sinh thêm nhiều chi phí nên nhiều người chưa mặn mà.

Đặc biệt, mặc dù TP.HCM đã có chủ trương hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, song những chủ trương này vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, các địa phương chưa có căn cứ để thực hiện. Đến nay, chưa có văn bản nào quy định rõ những quyền lợi mà hộ kinh doanh được hưởng khi chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp.

Ngoài ra, chính sách tính thuế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế hiện có lợi cho hộ kinh doanh hơn doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn không muốn chuyển đổi.

Do vậy, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói rằng cơ quan nhà nước cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần xây dựng cơ chế quản lý riêng đối với nhóm doanh nghiệp mới chuyển đổi, doanh nghiệp siêu nhỏ với chế độ kế toán, hạch toán thu chi đơn giản, tần suất kê khai thấp để phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Đồng thời, ngành thuế cũng khuyến khích các hộ kinh doanh có đủ điều kiện mạnh dạn chuyển đổi lên doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội mở rộng đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, trong đó năm 2017 phát triển thêm 60.000 doanh nghiệp.

Hiện tại, thành phố có khoảng 36.472 hộ kinh doanh có thể phát triển lên doanh nghiệp. Riêng năm 2017, thành phố có khoảng hơn 20.000 hộ kinh doanh được Cục Thuế TP.HCM đánh giá là đối tượng tiềm năng mà cơ quan quản lý có thể vận động, hỗ trợ phát triển lên doanh nghiệp. Đây là những hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng ở nhiều quận trung tâm và một số hộ kinh doanh thuộc các quận vùng ven với doanh thu khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, liên quan tới chương trình hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp của thành phố, ông Nguyễn Phương Đông nói rằng, vốn nhiều nhưng khi triển khai trên thực tế thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương TP.HCM đã hỗ trợ kết nối cho 11.900 khách hàng vay đạt 218.880 tỉ đồng. Đa số nhu cầu vốn của doanh nghiệp đã được ngân hàng thương mại đáp ứng, thế nhưng cũng có không ít trường hợp vướng mắc.

Nguyên nhân là do những doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện tín dụng của ngân hàng như có nợ xấu, không có tài sản thế chấp, tình hình tài chính không minh bạch nên không thể áp dụng hình thức cho vay không có tài sản thế chấp.

Do đó, để tăng cường hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, Sở Công Thương TP.HCM đang thực hiện đổi mới cách đối thoại với doanh nghiệp.

Sở này sẽ tập trung đối thoại chuyên sâu, chuyên ngành cụ thể, tránh cách đối thoại tổng hợp không mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, làm việc với các ngân hàng thương mại để đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận nhanh nguồn vốn vay, đổi mới công nghệ, cải thiện hiệu suất sản xuất.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa số hộ kinh doanh TP.HCM ngại ‘lên đời’ thành doanh nghiệp