Theo Cục Thống kê giao thông vận tải Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, đã có hơn 1 triệu chuyến bay bị delay, chiếm khoảng 23% tổng số chuyến, tỷ lệ cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Đã tìm ra thủ phạm khiến số chuyến bay delay ngày càng cao

Anh Tú | 12/11/2023, 10:00

Theo Cục Thống kê giao thông vận tải Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, đã có hơn 1 triệu chuyến bay bị delay, chiếm khoảng 23% tổng số chuyến, tỷ lệ cao nhất trong vòng 10 năm qua.

delay.jpeg
Chuyến bay delay khiến nhiều người mệt mỏi

Du lịch bằng đường hàng không tạo ra nhiều khí thải carbon ô nhiễm, góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu và ngược lại, thời tiết ngày càng tồi tệ cũng khiến việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên hỗn loạn và khó chịu hơn. Khi những điều kiện đó gia tăng trong những năm tới, các nhà nghiên cứu cho rằng tàu cao tốc sẽ là một giải pháp thay thế linh hoạt.

Theo Cục Thống kê giao thông vận tải Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, đã có hơn 1 triệu chuyến bay bị delay do máy bay đến không thể hạ cánh (kéo theo máy bay đi cũng không thể cất cánh và phản ứng dây chuyền), chiếm khoảng 23% tổng số chuyến bay, tỷ lệ cao nhất trong vòng 10 năm qua. Sự đồng thuận trong giới khoa học cho thấy nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng “delay” là thời tiết ngày càng xấu đi liên quan đến biến đổi khí hậu.

Giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học bang Ohio, Zhenhua Chen, cho biết: "Theo dữ liệu của Cục Hàng không Liên bang, khoảng 75% số chuyến bay bị trì hoãn ở Mỹ là do thời tiết và đây là vấn đề đặc biệt đau đầu trong mùa hè này khi có giông bão và nắng nóng dữ dội".

Chen đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về tác động của thời tiết đối với máy bay và tàu hỏa. Từ đó, Chen nhận thấy rằng những nơi có tàu cao tốc kết nối các thành phố lớn - như ở Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản - đã giúp du khách có thêm các lựa chọn để thực hiện các chuyến đi ở cự ly ngắn và trung bình khi thời tiết xấu khiến các chuyến bay phải dừng. Ông tin rằng việc thiếu giải pháp thay thế đó ở Mỹ sẽ có những tác động kinh tế.

Chen nhấn mạnh: “Mỹ sẽ phải trả chi phí cơ hội nếu không sớm xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc. Các doanh nghiệp cũng bị sụt giảm năng suất. Đây là điều quan trọng nhất mà nhiều nhà hoạch định chính sách đã bỏ qua”.

Paul Williams, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Redding của Anh, đã nghiên cứu những thay đổi trong dòng phản lực do máy bay tạo ra đang làm gia tăng sự hỗn loạn của không khí. Nghiên cứu mà Williams là đồng tác giả được công bố vào tháng 6.2023, đã phát hiện ra rằng sự gia tăng “sự hỗn loạn của không khí” đặc biệt đáng chú ý ở Mỹ và Bắc Đại Tây Dương, những khu vực có mật độ bay dày đặc. Báo cáo đó cũng cho thấy những hỗn loạn như vậy đã tăng 55% từ năm 1979 đến năm 2020.

Ngay cả một số quan chức hàng không cũng thừa nhận tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh doanh. Giám đốc điều hành United Airlines, Scott Kirby vào tháng 7 thừa nhận: “Tôi nghĩ các biến động bất thường sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn khi khí hậu ấm lên. Khí quyển ngày càng nóng lên kéo theo nhiệt động lực cao hơn và chúng ta sẽ chịu nhiều giông bão hơn”.

Hãy tăng cường đi đường sắt

Sáu thập niên sau khi Nhật Bản ra mắt hệ thống shinkansen, tàu cao tốc (với tốc độ 300 km/giờ trở lên) đã chạy khắp châu Âu, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc. Và sắp tới Ma Rốc, Ả Rập Saudi và đảo Java của Indonesia cũng sẽ khánh thành hệ thống cao tốc. Sự vắng mặt đáng ngạc nhiên: Mỹ là nơi không có tàu cao tốc thực sự nào cả. Điều đó có thể thay đổi trong vài năm tới khi Luật Cơ sở hạ tầng liên bang được lưỡng đảng đồng thuận dành hàng tỉ USD cho các dự án như vậy.

Chính quyền Joe Biden trong tháng này đã giải ngân 16,4 tỉ USD trong số tiền đó cho Amtrak ở Hành lang Đông Bắc để tăng tốc các chuyến tàu Acela chạy từ Boston đến New York và Washington từ 240km/giờ lên 257km/giờ. Hệ thống cao tốc tư nhân trị giá 105 tỉ USD của California và Brightline West nối Las Vegas và ngoại ô Los Angeles, cũng hy vọng giành được trợ cấp liên bang cho các gói dự án lần lượt trị giá 2,8 tỉ USD và 3,75 tỉ USD trong 2 tháng cuối năm.

California và Brightline dễ thuyết phục chính quyền Biden chi tài trợ vì đây là kế hoạch quảng bá cho một hình thức vận chuyển thải lượng carbon thấp khi cả hai đều có ý định vận hành tàu điện chủ yếu sử dụng năng lượng tái tạo. Dữ liệu do các nhà nghiên cứu của Anh và châu Âu tổng hợp cho thấy lượng khí thải CO2 từ tàu điện cao tốc, như Eurostar chạy từ Paris đến London, chỉ là 4 gram/hành khách/km. Để so sánh, chuyến bay nội địa trung bình ở châu Âu là 246 gram mỗi hành khách/km, tức là đi máy bay thì gây ô nhiễm gấp 61 lần đi tàu cao tốc nếu tính theo chỉ số carbon.

Đáng buồn là ở Mỹ vẫn không có cách rõ ràng nào để khử carbon trong ngành hàng không, vốn chiếm 3% tổng lượng khí thải carbon của nền kinh tế số 1 thế giới. Chen lưu ý rằng một chuyến bay nội địa điển hình của Mỹ sử dụng tới 10.000 gallon nhiên liệu, vì vậy 40.000 chuyến bay trên khắp nước Mỹ mỗi ngày tiêu thụ khoảng 400 triệu gallon nhiên liệu và thải ra lượng khí C02 khổng lồ.

Mối lo ngại của ông về những tác động đối với việc đi lại bằng đường hàng không ở Mỹ do khí hậu thay đổi, được tóm tắt trong một nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học thực tế, trong đó gồm cả công trình do Williams thực hiện.

Chen cho biết: “Tất cả các hình thức vận tải, gồm cả đường sắt cao tốc, đều gặp phải những hạn chế trong một số điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất định, chẳng hạn như bão khiến các phương tiện vận chuyển không thiết yếu phải tạm dừng. Nhưng riêng máy bay lại đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết bất lợi hơn do tính chất hoạt động đặc thù vốn có của chúng”, đồng thời ông cũng nêu máy bay vừa là thủ phạm nhưng cũng vừa là nạn nhân trong mối quan hệ với thời tiết nhiễu động.

Chen so sánh: “Trong khi tàu cao tốc hoạt động sát mặt đất dọc theo một tuyến đường cố định, thì máy bay di chuyển trong bầu không khí rộng lớn, khó lường và hỗn loạn”.

Dù vậy, theo Chen, tàu cao tốc không phải là giải pháp cho việc di chuyển từ bờ Đông sang bờ Tây, cũng không thể thay thế cho các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương hay xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vì chúng không bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa, gió, nóng và lạnh nên chúng có thể mang lại sự ổn định hơn cho nhiều hành lang giao thông ở Mỹ.

Cuối cùng, Chen kết luận: “Nếu muốn có một hệ thống giao thông linh hoạt, chúng ta cần xem xét các phương thức thay thế. Đó là lý do tại sao đường sắt cao tốc có thể đóng một vai trò quan trọng”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã tìm ra thủ phạm khiến số chuyến bay delay ngày càng cao