Năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết cổ truyền, những trái Phật thủ - đặc sản của xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại được đóng gói cẩn thận để theo các thương lái tới khắp mọi miền đất nước.
Là mũi nhọn về kinh tế của người dân xã Đắc Sở, Phật thủ đã đem lại nhiều thay đổi về kinh tế, làm giàu trên đất nông nghiệp cho người dân địa phương.Trên 100 ha đất tại đây đã được người dân thuê để phục vụ trồng cây Phật thủ.
Gia đình chị Hà có 3 vườn Phật thủ, trung bình mỗi vườn khoảng 8 sào đất (với giá thuê 4 triệu đồng/sào/năm) trồng trên 300 cây Phật thủ. Mỗi năm một vườn Phật thủ thu về cho gia đình chị trên dưới 1 tỷ đồng.
Quả Phật thủ mỗi năm thu hoạch 2 vụ, khoảng tháng 6, tháng 7 và dịp Tết Nguyên đán, nhưng người dân Đắc Sở thu nhiều lợi nhuận nhất vẫn là vào dịp Tết cổ truyền. Theo các hộ trồng Phật thủ, từ trước Tết, nhiều vườn quả to, đẹp đều đã có người đặt buôn từ trước với giá vài trăm triệu đồng cả vườn.
Để xử lý cho Phật thủ ra hoa và đậu quả đúng dịp Tết, theo anh Thạch, mỗi chủ vườn có những kinh nghiệm khác nhau, nhìn cây chủ vườn có thể xác định được thời điểm nào nên dùng dao con tiện vào thân cây 1 vòng tròn như tiện mía, sau 10 ngày tiện lại lần 2. Thông thường thời điểm tiện cây vào tháng 3 âm lịch hằng năm.
Phật thủ được trồng từ cành chiết, sau 2-3 năm trồng mới bói quả. Ngoài các vườn đang thu quả chính, mỗi hộ thường có những vườn trồng cành chiết gối vụ nọ lên vụ kia. Chăm sóc cây Phật thủ cũng như cây bưởi, cây cam, trồng Phật thủ ở nhưng nơi cao ráo, thoát nước và không được để ngập úng.
Những quả Phật thủ được các chủ vườn bọc cẩn thận vào giấy mềm, đóng vào thùng xốp để vận chuyển đi khắp mọi miền đất nước.
Một chùm Phật thủ gồm 5 quả được anh Thạch phát giá 500.000 đồng.
Theo Huy Anh (Chinhphu.vn)