Sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó đối với 3 công trình, điểm sạt lở, sụt lún, nứt gãy đất.

Đắk Nông công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Tuyết Nhung | 09/08/2023, 07:17

Sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó đối với 3 công trình, điểm sạt lở, sụt lún, nứt gãy đất.

UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với công trình hồ chứa nước Đắk N’ting xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong; đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP. Gia Nghĩa; sạt trượt khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng 14 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

sat-lo.jpg
Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường giao thông ở Đắk Nông - Ảnh: IT

UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ quan chức năng, tại các khu vực ảnh hưởng thiên tai thực hiện cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có phận sự vào khu vực cảnh báo nguy hiểm; di dời toàn bộ các hộ dân chịu ảnh hưởng; tổ chức trực ban tại công trình 24/24h.

Các cơ quan tiến hành quan trắc, theo dõi, đánh giá diễn biến thiên tai; sự dịch chuyển, nứt gãy hạng mục công trình; theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến thiên tại báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh biết, chỉ đạo.

Đối với khu vực công trình hồ chứa nước Đắk N’ting tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt, đồng thời phải tính toán lại kịch bản vỡ đập, đường đi dòng nước ảnh hưởng đến hạ du tại thời điểm hiện tại.

Khảo sát, đưa ra các phương án thoát nước khối trượt, giảm thiểu tối đa sạt trượt đất tại khu vực vai phải công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting. Tính toán, có phương án hạ thấp mực nước hồ để giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có sự cố công trình xảy ra. Khảo sát, tính toán thiết kế sửa chữa, khắc phục đảm bảo ổn định, an toàn cho công trình và hạ du.

Đối với công trình đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa đang bị sụt lún, phải tổ chức phân luồng, phân làn giao thông, đảm bảo lưu thông và an toàn khi tham gia giao thông.

Xử lý dòng tụ thủy hình thành bên trái đường (theo hướng từ TP. Gia Nghĩa đi tỉnh Đắk Lắk), có giải pháp phù hợp xử lý hạn chế tối đa nguồn nước mặt đổ về vị trí các vết nứt, sạt trượt.

Khảo sát xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý sửa chữa, khắc phục tuyến đường mang tính ổn định, lâu dài để đảm bảo lưu thông, không ách tắc.

Đối với khu vực sạt trượt Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức: có giải pháp phù hợp xử lý hạn chế tối đa nguồn nước đổ về vị trí các vết nứt, sạt trượt; xác định nguyên nhân gây sạt trượt, có các giải pháp xử lý phù hợp. Về lâu dài, nghiên cứu, xem xét đề xuất bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời.

Từ ngày 28.7 - 6.8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài. Tổng lượng mưa trong những ngày qua tại nhiều nơi đạt hơn 300mm, đặc biệt có nơi trên 556mm.

Trước đó ngày 7.8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đã tới kiểm tra, đánh giá tình hình lũ, ngập lụt và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tính đến ngày 7.8, mưa lũ đã làm ngập 192 căn nhà, ngập úng khoảng 651,4ha cây trồng các loại, 217ha hồ nuôi thủy sản và 164 ao hồ của người dân bị ngập. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, hạ tầng bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 250 tỉ đồng. Chính quyền địa phương cũng đã tiến hành di dời 283 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết việc sạt lở, sụt lún có nguyên nhân từ việc suy giảm diện tích, chất lượng rừng. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện các công trình sạt trượt phải khảo sát rộng, kỹ lưỡng. Nhưng bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho người dân và có giải pháp xử lý khối sạt trượt để đảm bảo an toàn cho công trình.

Ông Hiệp đề nghị tỉnh công bố các trường hợp thiên tai khẩn cấp để sớm khắc phục các điểm sạt trượt. Về phương án xử lý thì ban chỉ đạo phải đánh giá từng công trình, làm việc với từng địa phương. Điểm nào xử lý được thì làm, không thì cứ để tiếp tục để sạt trượt hết, tránh lãng phí, nguy hiểm cho người dân.

Về đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu khẩn trương di dời dân ở những khu vực nguy hiểm. Kế đến, tiến hành khảo sát, đánh giá, kiểm định lại các công trình, trên cơ sở đó có giải pháp xử lý cho từng công trình. Về lâu dài, phải tính toán, khảo sát lại để lập bản đồ sạt lở cho cả nước, ưu tiên Tây Nguyên thực hiện trước. "Sẽ có một bản đồ sạt lở chi tiết hơn và trên đó có những cảnh báo các cấp độ khác nhau", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đang ở mùa mưa nhưng lại phải tính toán cho mùa khô năm sau, dự báo sẽ rất khốc liệt. Tây Nguyên sẽ thiếu nước nên các hồ đập phải tính toán tích nước phù hợp cho năm sau. Phải tính toán thật kỹ để việc tích nước không gây ra hậu quả sạt lở.

Bài liên quan
Bộ GTVT trả lời đề nghị của Đắk Nông về quy hoạch sân bay Nhân Cơ
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông để trả lời về đề nghị đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
22 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đắk Nông công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai