Dự báo vùng núi phía Bắc có mưa dông kèm mưa lớn cục bộ có khả năng kéo dài đến ngày 11-12.8, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Mưa lũ, sạt lở có thể kéo dài đến tháng 9 năm nay

Tuyết Nhung | 08/08/2023, 20:10

Dự báo vùng núi phía Bắc có mưa dông kèm mưa lớn cục bộ có khả năng kéo dài đến ngày 11-12.8, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tính đến 15 giờ ngày 8.8, các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Bắc Kạn, Phú Thọ đã có mưa vừa, mưa to. Cụ thể: Lâm Thượng (Yên Bái) có lượng mưa 65mm; Đức Hạnh (Cao Bằng) có lượng mưa 57,5mm; Liêm Phú (Lào Cai) có lượng mưa 53,6mm; Mường Phang (Điện Biên) có lượng mưa 50mm...

mua-lu.jpeg
Mưa lũ, sạt lở gây thiệt hại lớn cho các tỉnh ở vùng núi phía Bắc - Ảnh: EVN

Trong tối ngày 8.8, khu vực các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Bắc Kạn, Phú Thọ tiếp tục có mưa. Lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-30mm, có nơi trên 50mm. Các huyện Văn Bàn (Lào Cai); Lục Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Căng Chải (Yên Bái); Nậm Pồ, Mường Nhé (Điện Biên); Cao Lộc (Lạng Sơn); Yên Lập, Tam Nông, Lâm Thao, Hạ Hòa (Phú Thọ); Bạch Thông, Ngân Sơn, Chợ Đồn (Bắc Kạn) có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Trong chiều tối và đêm 8.8, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông. Lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa từ 10-30 mm, có nơi trên 50mm. Khu vực vùng núi Bắc Bộ, mưa dông kèm mưa lớn cục bộ còn có khả năng kéo dài đến ngày 11-12.8. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Có thể thấy, trong tháng 6, 7 và những ngày đầu tháng 8.2023 ở Bắc Bộ, Tây Nguyên có số ngày mưa 50-100mm cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, trong thời gian qua đã xảy ra một số thiên tai sạt lở đất đá ở khu vực Tây Nguyên, Bắc Bộ. Qua đánh giá số liệu mưa cho thấy vụ sạt lở đất ở Phường 10, TP. Đà Lạt lượng mưa tích lũy 12 giờ trước khi xảy ra sạt lở khoảng 50mm; Vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa 12 giờ trước đó đạt 170mm; Vụ sạt lở đất, đá ở quốc lộ 6 Mai Châu, Hòa Bình ngày 4.8 lượng mưa 12 giờ trước đó dưới 10mm.

Như vậy, có thể thấy lượng mưa tích lũy trước khi xảy ra sạt lở là tương đối khác biệt giữa các khu vực, có nơi dù lượng mưa không đáng kể những vẫn xảy ra sạt lở đất đá.

PGS.TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất do các đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 8. Tại khu vực Bắc Bộ, từ ngày 9-10.8 có mưa giông, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to 40-70mm. Từ ngày 11-13.8, Bắc Bộ có mưa to trở lại, tổng lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Từ ngày 14-20.8 dự báo phổ biến ít mưa. Như vậy, khả năng các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ, cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai tháng 8 và 9.2023.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự phát triển kinh tế xã hội trên các vùng miền đất nước, những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện, cháy 628 nhà xưởng; 1.176 ha rừng; sập đổ, tốc mái 9.075 nhà; hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu...

Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo từ nay đến cuối năm, có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, chủ yếu tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 9) và từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía nam (từ tháng 10 đến tháng 12).

Với dự báo trên, khả năng các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ, cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 8 và tháng 9.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía bắc các bộ, ngành liên quan huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Bài liên quan
Nghệ An khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở và thiệt hại về nhà cửa, tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mưa lũ, sạt lở có thể kéo dài đến tháng 9 năm nay