Khi yêu, chúng ta luôn tin tưởng rằng tình cảm ấy sẽ mãi bền vững. Nhưng hạnh phúc đâu phải lúc nào cũng trọn vẹn như ta mong muốn. Sự đổ vỡ, mất mát trong tình yêu là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nỗi đau ấy chi phối rất nhiều đến cuộc sống sau này của mỗi người.
Bi thảm hơn cái chết là cứ tiếp tục sống với trái tim tan vỡ
Đau khổ khôn nguôi không phải là bằng chứng của tình yêu bất diệt, đúng hơn đó là căn bệnh cần chữa trị. Chẳng ai muốn sống một cuộc đời thiếu vắng tình yêu. Thậm chí, sống với một trái tim tan vỡ còn bi thảm, đáng thương hơn cả cái chết. Yêu thương người khác khi bạn đời vĩnh viễn ra đi không có nghĩa là ta đã hết tình cảm với người xưa.
Mọi nỗi mất mát đều ẩn chứa những thử thách riêng. Carol mất Steve trong một tai nạn xe hơi đột ngột, tàn khốc. Trước đó ở nhà, Carol đã nhắc anh phải cài dây an toàn lúc lái xe. Khi nhận tin chồng chết, chị mới biết anh đã không làm theo lời nhắc nhở của chị.
Chị buồn vì rất yêu và nhớ chồng, nhưng cũng giận vì Steve không chịu cài dây an toàn, đồng thời còn lo lắng khi phải đối mặt với những khó khăn tài chính trước mắt. Vì không biết phải dành thời gian trải nghiệm và tìm hiểu từng mức độ cảm xúc nên Carol chỉ thấy choáng ngợp, mệt mỏi, tâm trạng lúc nào cũng rối bời. Những giọt nước mắt không giúp Carol thanh thản. Trong chị chỉ thấy một cảm giác chết lặng nhói lòng.
Khi không thể tâm sự cùng ai đó những cảm xúc rối bời trong lòng, sự trách móc sẽ luôn tồn tại và ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ khác trong cuộc sống chúng ta. Ta cảm tưởng như mình trở thành nạn nhân trong suốt phần đời còn lại. Do sống trong tâm trạng giận dữ, trách móc đó, nên mặc cảm có lỗi trong ta sẽ ngày càng nặng nề thêm.
Qua tư vấn, cuối cùng Carol đã có thể thổ lộ mọi nỗi giận dữ, sợ hãi còn ẩn khuất trong tâm hồn. Từ đó chị mới biết cảm nhận và giải tỏa buồn phiền và đau khổ. Mặc cảm có lỗi biến mất, chị bắt đầu thấy lạc quan hơn với niềm hy vọng mình sẽ đáp ứng tốt những trách nhiệm trước mắt.
Trong cơn giận, ta rất khó động lòng thương xót
Vợ chồng Sharron và Ed lúc nào cũng cãi vã. Tính tình đôi bên quá khác biệt và không thể tiếp tục chung sống nữa. Sau khi ly thân, Sharron thấy lòng mình rối bời cảm xúc. Chủ yếu là sự giận dữ, nhưng sâu xa chính là cảm giác lo sợ. Chị trăn trở với ý nghĩ bé Nathan chín tuổi không được nuôi dạy đúng cách khi về ở với bố. Hẳn chồng chị thế nào cũng làm con hư mà thôi.
Bất đồng nảy sinh khi hai vợ chồng chị, mỗi người muốn dạy dỗ con theo cách riêng. Sharron muốn con hiểu được giá trị của đồng tiền và việc làm ra nó chẳng phải dễ dàng gì; trái lại, Ed rất chiều con, mua mọi thứ bé thích. Sharron muốn dạy con phụ giúp gia đình bằng cách làm việc lặt vặt, nhưng Ed thương hại thằng bé nên lại làm thay. Cứ thế, mâu thuẫn giữa họ lớn dần lên.
Thực ra Sharron chưa bao giờ dành đủ thời gian cần thiết cho quá trình đau khổ vì hôn nhân tan vỡ. Do vậy, cảm giác thất vọng vì chưa làm tròn trách nhiệm của người mẹ ngày càng đè nặng trong lòng chị. Chị giận vì mình không thể giải quyết tận gốc những vấn đề của con. Thấy mình gắt gỏng, vô cảm với con, chị càng thấy có tội hơn. Cảm giác này tiếp thêm dầu vào lửa, nỗi giận Ed càng bốc lên ngùn ngụt trong lòng chị.
Sau buổi nói chuyện chuyên đề Sao Hỏa – Sao Kim và được biết về bốn cảm xúc hàn gắn vết thương tình cảm, Sharron đã dành thời gian chiêm nghiệm nỗi buồn và đau khổ vì mất mát. Cuối cùng, chị hiểu ra rằng lỗi không phải ở Ed, chẳng qua chỉ vì sự khác nhau trong quan điểm của hai người mà thôi.
Những giọt nước mắt khiến cơn giận của Sharron dịu lại, chị nhìn Ed với thái độ trân trọng hơn. Kỷ niệm tình yêu giúp chị có thể cho qua chuyện cũ trong cảm xúc yêu thương, niềm lạc quan lớn dần trong chị. Sharron từ bỏ suy nghĩ trước đây rằng kết hôn là chuyện điên rồ, từ đó chị lấy lại niềm tin để tìm cho mình một quan hệ tình cảm bền vững trong tương lai.
Sharron nhận ra rằng, trước mặt con trai, chị nên nói những lời tốt đẹp về Ed. Một khi nhận ra những phẩm chất tốt đẹp ở người cha, con trai chị sẽ dễ dung hòa sự khác biệt giữa bố mẹ mình. Điều quan trọng hơn, Sharron nghiệm ra rằng, chị có thể bất hòa với cá tính của Ed nhưng không được quyền hạ thấp giá trị con người anh.
Khi chủ động cho phép mình chiêm nghiệm sâu hơn những cảm xúc phiền muộn trong lòng, Sharron có thể giải tỏa cảm xúc giận dữ để trái tim nhân hậu hơn. Chị hạnh phúc và bé Nathan cũng thế. Niềm tin yêu cuộc sống lại trở về trong tâm hồn họ.
Chấm dứt tình cảm gắn bó sâu đậm bấy lâu, trái tim rất cần sự quan tâm và thời gian để trải nghiệm trọn vẹn nỗi đau trước khi bước vào một hành trình mới. Do mỗi người có thể gặp một hoàn cảnh riêng nên quá trình hàn gắn vết thương sẽ có những khó khăn, lúng túng khác nhau. Vì vậy, cần phải hiểu rõ yêu cầu của nó để không vô tình cản trở quá trình tự lành vết thương. Chỉ với một kết thúc thanh thản, ta mới dễ dàng mở ra một khởi đầu tốt đẹp.
Theo Đàn ông sao Hỏa đàn bà sao Kim – Tìm lại tình yêu – First News