Tin đồn triệt sản xong là “tiêu” luôn khiến không ít quý ông lo lắng. Nhiều người đàn ông sau khi được phẫu thuật đã đến bệnh viện để nối lại ống dẫn tinh.
Chị T.H (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) gặp tai biến sản khoa khi sinh đứa con thứ hai nên bác sĩ (BS) khuyên không nên sinh nở nữa. Từ đó, chị đã áp dụng khá nhiều biện pháp tránh thai như đặt vòng, dùng que cấy, tính ngày… nhưng đều gặp một số rắc rối.
Hai năm sau, H. mang thai ngoài ý muốn. Do còn khó khăn về kinh tế nên vợ chồng chị quyết định bỏ thai. Sau thủ thuật, họ được khuyên nên triệt sản vì nếu để H. mang thai hay phá thai lần nữa, có thể rất nguy hiểm cho chị. BS cũng gợi ý chồng H. nên là người thực hiện triệt sản vì hiện sức khỏe của chị không ổn.
Nỗi ám ảnh của quý ông
Chồng chị H. tỏ ra rất lo lắng nhưng cuối cùng cũng thực hiện. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, anh trở về với trạng thái tâm lý khá tệ, chuyện vợ chồng cũng đột ngột suy giảm không phanh. Sau 3 tháng chịu đựng chứng rối loạn tình dục, anh quyết định đến Bệnh viện (BV) Bình Dân (TPHCM) để được nối lại ống dẫn tinh vì nghĩ rằng chính thủ thuật thắt ống dẫn tinh khiến “bản lĩnh đàn ông” suy giảm.
Khi đưa vợ đến BV, ông N. chợt nhận ra mình đã lầm vì vị BS nói rõ: “Thắt ống dẫn tinh đơn giản hơn thắt ống dẫn trứng nhiều, vậy mà cứ để mấy bà đi làm chứ mấy ông thì sống chết cũng không chịu vì… sợ mấy cái tin đồn vớ vẩn!”.
Đăng ký khám tại khoa kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ |
Chi tiết hơn, BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe sinh sản TPHCM, giải thích: “Thủ thuật triệt sản nam (Vasectomie) bao gồm thắt và cắt ống dẫn tinh, áp dụng cho những người chắc chắn không muốn có con nữa. Thủ thuật chỉ nhằm chặn đường đi của tinh trùng. Sau thủ thuật, người đàn ông vẫn quan hệ tình dục và xuất tinh bình thường nhưng trong tinh dịch không có tinh trùng nên không thể thụ thai. Vậy thôi, hoàn toàn không có chuyện không “quan hệ” được nữa hay yếu kém “bản lĩnh”!”.
Có vấn đề là do tâm lý
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, tâm lý bất ổn, bị stress nhiều là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tình dục.
Chính tâm lý lo sợ rằng mình “yếu đi” sau triệt sản, sợ cuộc ân ái không mỹ mãn cũng như các áp lực khác về công việc, gia đình, tài chính… có thể khiến quý ông cảm thấy chất lượng hoạt động tình dục giảm sút, chứ không phải do các thủ thuật y khoa.
“Triệt sản nam là một tiểu phẫu rất dễ làm và phổ biến, bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau đó vài giờ, tỉ lệ biến chứng cực kỳ thấp. Các trường hợp cảm thấy “có vấn đề” sau phẫu thuật đa số do nguyên nhân tâm lý. Tuy nhiên, khi cảm thấy lo lắng thì quý ông có thể quay lại BV để kiểm tra vì mọi biến chứng nếu có đều có thể phát hiện và khắc phục dễ dàng”, BS Thông khuyến cáo.
BS Thông cũng lưu ý rằng sau triệt sản, đàn ông vẫn có thể có con trong những lần quan hệ đầu tiên vì tinh trùng vẫn còn sót lại ở một số bộ phận. Thông thường, nên sử dụng một biện pháp tránh thai khác, như bao cao su, trong khoảng 15-20 lần xuất tinh đầu tiên sau thủ thuật. Nếu người triệt sản vẫn lo lắng thì có thể đến BV để được kiểm tra tinh dịch đồ. Nếu muốn có thêm con, họ vẫn có thể nối lại ống dẫn tinh nhưng cần suy nghĩ kỹ vì thủ thuật này phức tạp và tỉ lệ thành công không cao.
Ngược lại với những người sợ triệt sản, một số đàn ông khi đã có đầy đủ con cái lại tự nguyện đi “thắt” để có thể “tự do bay nhảy” mà không để lại hậu quả. Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, tâm lý này khá nguy hiểm vì triệt sản nam chỉ đơn thuần là biện pháp tránh thai. Nếu chỉ nghĩ đơn giản rằng không sợ có con nên cứ “thoải mái”, có nhiều bạn tình thì nguy cơ mắc phải các bệnh lây lan qua đường tình dục là rất cao. Trong các biện pháp tránh thai, chỉ bao cao su là có chức năng bảo vệ kép - tránh thai lẫn ngăn ngừa HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục khác