29, 30 điểm vẫn trượt đại học là hiện tượng bất hợp lý nổi bật trong mùa tuyển sinh đại học năm nay. Bài viết xin góp một góc nhìn lý giải gốc rễ của vấn đề này.
Một kỳ thi không kham nổi 2 mục tiêu khác nhau
Trước hết phải thừa nhận rằng, kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng tạo nên sự gọn nhẹ, tiết kiệm được thời gian, kinh phí, công sức cho ngành giáo dục và xã hội. Tuy nhiên e rằng kỳ vọng trên trong thực tế chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Vì sao? Vì bản chất hai kỳ thi vốn khác nhau: một bên là xét tốt nghiệp mang tính phổ cập, đại trà với mức độ yêu cầu kiến thức trung bình (nhận biết và thông hiểu là chính); một bên là tuyển sinh, mang tính cạnh tranh cao thấp, phân hạng với mức độ yêu cầu kiến thức phân hóa cao để tuyển chọn nhân tài.
Hẳn có người tranh luận rằng: ngay trong đề thi đã có tính phân hóa, thí sinh nào khá, giỏi mới đạt điểm cao. Xin thưa, vấn đề là phân hóa, sàng lọc những người khá, giỏi với nhau để tuyển chọn người tài trong tuyển sinh đại học, chứ không chỉ phân hóa người người trung bình và những người khá, giỏi. Thử hỏi, mỗi môn có 5 - 6,5 điểm ở ngưỡng tốt nghiệp, 3,5 - 5 điểm còn lại ở ngưỡng xét đại học, thì so với một kỳ thi tuyển sinh đại học riêng, kỳ thi nào có mức độ cạnh tranh, sàng lọc cao hơn?
Tiêu chí phụ không thuyết phục bằng bài thi năng lực, test IQ
Vậy tại sao các trường tốp trên như Y dược, công an, quân đội không tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng để sàng lọc, tinh tuyển những người thực sự giỏi vào trường của mình, thay vì xét thêm các tiêu chí phụ? Cũng vì xét tiêu chí phụ mà dẫn đến nhiều em 29 - 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1 trong tâm trạng thực sự “sốc”.
Nhiều người cho rằng, việc một số trường tốp đầu phải sử dụng tiêu chí phụ để “loại” bớt những thí sinh trên 29 điểm như trong mùa tuyển sinh năm nay chứng tỏ đề thi chưa thực sự chuẩn hóa. Bởi thực tế cho thấy, nếu đề thi chuẩn hóa, phân loại được thí sinh tốt thì các trường sẽ không phải đặt ra nhiều tiêu chí phụ đến như vậy.
Tiêu chí phụ năm nay cũng rối rắm như “ma trận” khi có trường đặt ra tới 3, 4 tiêu chí phụ khác nhau. Thậm chí, một số trường còn không thông báo trước về việc sử dụng tiêu chí phụ nên đã khiến học sinh và phụ huynh rơi vào bị động.
Tại sao các trường tốp trên không tổ chức tuyển sinh riêng, hoặc tổ chức thêm một bài test năng lực và IQ, trên cơ sở đó các trường sàng lọc, tinh tuyển những người xứng đáng một cách thuyết phục, khoa học hơn?
Tổ chức kỳ thi tại địa phương, tính khách quan có đảm bảo?
Năm nay việc tổ chức coi thi, chấm thi THPT quốc gia được giao về địa phương dưới sự giám sát của các trường đại học. Việc này tuy tạo điều kiện thuận tiện cho thí sinh trong việc ăn ở, đi lại nhưng mặt khác làm giảm đi phần nào tính khách quan so với kỳ thi năm ngoái (do các trường đại học chủ trì theo cụm đại học). Chính việc các địa phương chủ trì kỳ thi đã dẫn đến chuyện có nơi có lúc việc coi thi “nhẹ nhàng”, tạo điều kiện cho con em đạt kết quả cao nhất. Bệnh thành tích cũng như quan niệm sợ bị thua thiệt so với địa phương khác đã nảy sinh tâm lý thiên vị cho thí sinh địa phương, điều đó là có thực, không nhiều thì ít.
“Mưa điểm 10”
“Mưa điểm 10” là một thực tế diễn ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Theo thống kê, cả nước có 4.226 điểm 10. Trong đó, có 13 em đạt 30 điểm (trên 3 bài thi). Những năm trước, cả nước chỉ có vài chục điểm 10 thì nay mỗi tỉnh có đến vài trăm điểm 10. Hiện tượng là “mưa điểm 10” là do thay đổi cách ra đề, hình thức thi, chứ không phải chất lượng giáo dục tăng một cách nhảy vọt. Nhưng nghịch lý thay, thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1, điều đó tạo nên bức tranh tuyển sinh tổng thể “buồn cười”.
Điểm ưu tiên quá cao
Nhiều thí sinh bất ngờ khi điểm chuẩn năm nay tăng vọt so với nhiều năm. Một số thí sinh đạt trên 29 điểm nhưng vẫn không đỗ nguyện vọng 1. Trong khi có những thí sinh chỉ đạt 25,75 điểm nhưng được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ đại học.
Việc cộng điểm ưu tiên lên đến mức 3,5 điểm là bất hợp lý. Thí sinh đạt điểm tuyệt đối mà vẫn trượt đại học là câu chuyện vô lý trong tuyển sinh. Một số trường đưa ra mức điểm trúng tuyển là 30,25 hay 30,5 điểm đã khiến cho những thí sinh thực sự giỏi nhưng không được điểm ưu tiên mất đi cơ hội vào các trường tốp cao mà các em mong muốn.
Thực tế, với quy định ưu tiên hiện nay, có đến 60 - 70% thí sinh học sinh lớp 12 được cộng điểm ưu tiên khu vực trong kỳ thi THPT quốc gia. Hiện tại, công thức của Bộ GD&ĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, 1 điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực 1, tổng mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.
Chế độ ưu tiên vốn là công cụ để đảm bảo tính công bằng xã hội, xuất phát từ sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền, đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây chính sách này dường như đang bộc lộ những bất cập và cần phải xem xét lại.
Nhiều thí sinh ở thành phố sẽ cảm thấy không công bằng khi có những người cùng điểm số hay thấp hơn một chút nhưng nhờ điểm ưu tiên mà có thể đỗ trong khi mình trượt.
Nhiều người đề xuất, số điểm ưu tiên nên giảm xuống một nửa so với hiện nay thì mới hợp lý. Đối với học sinh khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên chăng ưu tiên chủ yếu trong xét tốt nghiệp THPT, chính sách học phí, chế độ học bổng, học nghề, giải quyết việc làm sau khi ra trường... Trong thi tuyển đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên không không có nghĩa trao quyền cho các em trong diện chính sách được phép “kém” hơn các em khác một bậc.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và có sự chênh lệch khá lớn trong trình độ phát triển giữa các vùng miền. Công bằng mà nói, đã một thời chính sách ưu tiên có tác dụng nhất định đối với việc phân bổ nhân lực, nhân tài đối với những vùng khó khăn. Nhưng hiện nay nó đang dần mất tác dụng, trở nên bất cập. Tất nhiên, bỏ ngay thì không dễ, nhưng điều chỉnh mức ưu tiên cho phù hợp là điều hoàn toàn có thể.
Lê Xuân Chiến