Ngày nay nhiều bạn trẻ trước khi lập gia đình đã đấu tranh tới cùng để không phải ở chung với bố mẹ. Không chỉ riêng con dâu mà ngay cả con trai cũng quyết liệt “ra riêng” không kém. Đơn giản vì sự khác biệt thế hệ dẫn đến những điều đáng tiếc mà không phải ai cũng lường trước được.
Mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu
Tuy vậy, đến khi có đứa con đầu lòng thì nội, ngoại là những người kề cận chăm sóc cháu. Vậy mới có những nàng dâu khóc không thành tiếng khi va chạm với mẹ chồng trong thời gian này. Nhất là khi phụ nữ mới vượt cạn, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh. Họ không được điềm tĩnh, dễ nóng giận, chấp nhất và tủi thân, thậm chí có những trường hợp nghĩ quẩn dẫn đến tự tử chỉ vì những chuyện lặt vặt nhưng họ không vượt qua được do quá nhạy cảm ở thời điểm này.
Ngày nay, phụ nữ trước khi sinh đa phần có khá nhiều thông tin cho mình chứ không ngờ nghệch như trước đây, giao phó tất tần tật cho chị, mẹ, hay bất cứ ai chăm sóc hai mẹ con. Ngoài thông tin trên báo, mạng, tư vấn bác sĩ, họ còn có những lớp học tiền sản để thu nhập nhiều thông tin tự chăm sóc mình và con. Đó cũng là nguyên do tại sao có quá nhiều mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh.
Một trong số trường hợp được mẹ chồng chăm sóc sau sinh là chị Hiền (Gò Vấp). Chị Hiền quê ở miền Trung, mẹ ruột bận chăm cháu nên không thể vào cùng chị. May mà có mẹ chồng ở gần đó, bà cũng còn khỏe, vả lại đây là đứa cháu đích tôn của dòng họ nên ông bà rất quan tâm. Chị Hiền với mẹ chồng cũng hòa hợp, không có bất cứ mâu thuẫn nào, chị xem bà chẳng khác nào mẹ ruột và bà cũng đối xử với chị rất tốt.
Vì quá yêu thương cháu nên bà muốn những gì tốt đẹp nhất dành cho cháu của bà. Khổ nỗi, tất cả những gì bà áp dụng đã quá xưa cũ, ví dụ như buộc hai mẹ con phải nằm than những ngày đầu. Trong khi chị Hiền ra sức giải thích than có hại như thế nào với sức khỏe, bà lại khăng khăng cho là con dâu hỗn, không chịu nghe lời, bà chăm sóc 7 đứa con mà có đứa nào bệnh tật gì vì nằm than đâu.
Khi chị Hiền thiếu sữa, bà mua chân giò, đu đủ hầm. Ngày đưa lên 3 tô lớn, nói chị phải ăn mới có sữa cho cháu bú. Chị ăn 1 vài ngày đầu không sao, đến cả tuần sau đó vẫn phải ăn ngày 3 tô. Chị quá ngán đến độ chỉ canh bà ra khỏi nhà là bê nguyên tô đổ vào thùng rác. Xui xẻo sao để bà nhìn thấy trong khi gom rác đi đổ, bà tu lên khóc với chồng chị Hiền, nào là nó hoang phí, trong khi bà mất công sức hầm cả buổi, không ăn còn đổ đi, chắc nó muốn cho cháu bà chết đói…
Mâu thuẫn với chính mẹ ruột
Vấn đề mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu không còn lạ lẫm gì. Các nàng dâu cũng phần nào có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để nếu rơi vào mình thì có cách ứng phó sao cho vấn đề không trở nên quá nặng nề. Nhưng nói thì nói vậy, mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, và cái cách mà họ “đụng chuyện” cũng khác nhau. Biết vậy nên khi chuẩn bị “vượt cạn”, chị M. bàn ngay với chồng sẽ xin mẹ chồng để về nhà ở với mẹ ruột. Mẹ ruột thì dù sao cũng dễ dãi hơn, dễ tha thứ cho con cái hơn.
Vì vậy mà M. không có áp lực gì khi ẵm con về nằm ổ ở nhà mẹ. Không ngờ đứa trẻ khó chăm cứ khóc cả ngày cả đêm. Mà M. mới sinh, chưa hồi sức hẳn nên cứ ngủ li bì, để mặc cho bà ngoại chăm sóc cháu. Đến khi M. khỏe hơn, mọi thứ mới trở nên căng thẳng. Mỗi lần cháu khóc, bà lại đưa lên võng đưa. Nhìn bà đưa võng cháu, chị M. thót tim, không biết làm gì hét lớn lên, chạy tới ôm lấy con trong ánh mắt ngạc nhiên của bà ngoại.
Chị M. nói não trẻ sơ sinh còn lỏng, không thể nằm võng đu đưa mạnh như vậy được. Nằm võng từ nhỏ cũng chính là nguyên do dẫn đến bệnh tiền đình và say xe say này. Bà càng ngạc nhiên, bà từng nuôi bằng đó đứa con, đứa nào cũng cho nằm võng mới ngủ được mà có đứa nào lớn lên bị ảnh hưởng gì đến não đâu?
Chị M. lúc đầu còn nhỏ nhẹ giải thích bây giờ khác rồi, các bác sĩ cũng khuyên chăm sóc bé theo cách khoa học sẽ phù hợp hơn, mặc dù chăm sóc theo kiểu dân gian cũng không có gì là sai, nhưng chị M. xin mẹ để cho chị chăm sóc bé theo cách của chị.
Bà ngoại ngay lập tức như bị dội gáo nước lạnh, cái đứa mình đẻ ra nó, ẵm bồng nó từng ngày đến khi đủ lông đủ cánh thì nó quay ra xem thường mẹ. Rồi bà tủi thân khóc. Chị M. lại phải xin lỗi mẹ, giải thích với mẹ… Nhưng sau lại đâu vào đó…
Chị chỉ muốn gọi cho chồng đón chị về nhà ngay tức khắc, chị chỉ cần một người giúp việc nhà, làm việc vặt, còn lại chị có thể tự làm hết. Nhưng nghĩ như vậy hơi quá nên đành cắn răng ở thêm vài tháng cùng mẹ.
Chuyên gia tâm lý khuyên những bà mẹ trẻ không nên quá căng thẳng trong vấn đề chăm sóc con cái mà ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự hòa hợp trong gia đình. Tốt nhất, hãy chia sẻ cách chăm sóc con của mình với những người thân cận và lắng nghe cách chăm sóc của họ, để cả hai không bị ngỡ ngàng trước sự khác biệt trong cách chăm sóc giữa hai hế hệ.
Hoàng Yến