Tai nạn xảy ra với nữ du khách Ấn Độ tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tuần trước làm dấy lên lo ngại về hố sụt.
Khoa học - công nghệ

Dấu hiệu cảnh báo hố sụt

Cẩm Bình 30/08/2024 14:48

Tai nạn xảy ra với nữ du khách Ấn Độ tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tuần trước làm dấy lên lo ngại về hố sụt.

Ngày 23.8, một hố sâu 8 mét bất ngờ xuất hiện trên vỉa hè phố Masjid, khiến một nữ du khách Ấn Độ rơi xuống rồi mất tích cho đến nay. Đến ngày 27.8 lại có cống thoát nước bị sụp, và một ngày sau ở cùng đoạn đường du khách Ấn Độ xảy ra tai nạn lại xuất hiện thêm một hố nữa. Loạt diễn biến đáng ngại khiến giới chức Malaysia phải phong tỏa khu vực nguy cơ cao, đồng thời kiểm tra hệ thống thoát nước.

screenshot-2024-08-30-140856.png
Khu vực bị phong tỏa vì hố sụt - Ảnh: CNA

Nguyên nhân tạo ra hố sụt?

Theo trang National Geographic, hố sụt xuất hiện khi nước hòa tan lớp đá bề mặt. Đá bề mặt thường là đá vôi, nước mưa tích tụ trong vết nứt hòa tan và cuốn trôi dần lớp này. Vết nứt dần mở rộng cho đến lúc mặt đất phía trên không còn ổn định nên sụt xuống. Hố có thể chỉ nông 1 mét hoặc sâu đến 50 mét.

Thành viên Viện Kỹ sư Singapore (IES) Sharron Ng cho biết, tại đô thị, hố sụt còn có thể do con người tạo ra. “Hoạt động như bơm quá mức nước ngầm trong quá trình xây dựng công trình dưới mặt đất, đường ống hoặc cống bị vỡ khiến nước rò rỉ dẫn đến xói mòn đất bề mặt, khai thác làm hình thành khoảng trống lớn dễ sụp đổ”, Sharron Ng nói.

Dấu hiệu cảnh báo

Hố sụt thường xuất hiện rất bất ngờ, tuy nhiên thành viên IES David Ng chỉ ra đôi lúc ta vẫn quan sát được tình trạng sụt lún của mặt đất trước lúc xuất hiện hố. Đó là lúc mặt đất được bao phủ bởi một bề mặt cứng tạm thời trong khi phía dưới trống rỗng.

Chủ tịch danh dự IES Chong Kee Sen bổ sung vài dấu hiệu nữa: dịch chuyển bất thường, vết nứt trên đường.

screenshot-2024-08-30-140830.png
Hố sụt 8 mét khiến nữ du khách Ấn Độ mất tích - Ảnh: CNA

Kuala Lumpur an toàn không?

Nguyên nhân tạo ra hố sụt 8 mét ngày 23.8 vẫn là ẩn số. Cấu trúc địa chất của Kuala Lumpur chủ yếu là đá vôi dễ bị hòa tan, tuy nhiên không phải khu vực nào trên địa bàn thủ đô cũng như vậy. Chưa rõ khu vực xuất hiện hố sụt có nằm trên nền đá vôi hay không.

Ngày 25.8, thị trưởng Maimunah Mohd Sharif tuyên bố Kuala Lumpur vẫn an toàn trừ phi có bằng chứng chứng minh điều ngược lại. Malaysia đã thành lập đoàn chuyên ngành phụ trách xem xét tính an toàn trong quá trình xây dựng thủ đô.

Tuy nhiên, chuyên gia David Ng lưu ý lượng mưa lớn mà Kuala Lumpur thường hứng chịu khiến thành phố dễ sụt lún hơn. Nước mưa có thể cuốn trôi phần tơi xốp trong lòng đất và tạo thành hố sâu.

Tại Singapore cũng từng xuất hiện hố sụt, đa số do hoạt động xây dựng và đường ống rò rỉ. Đảo quốc sư tử không dễ bị sụt lún do cấu trúc địa chất khác Kuala Lumpur.

Giảm thiểu nguy cơ

Lập bản đồ địa chất giúp xác định khu vực dễ xuất hiện hố sụt. Ngày nay còn có công nghệ mới như radar xuyên đất, trường điện từ thụ động tần số thấp, rung động âm thanh.

Sau khi tìm ra hố, khu vực xung quanh có thể được đào và lấp đầy bằng đất. Ngoài ra nên bơm thêm vữa, lắp khung thép bên trong lẫn xung quanh hố để chống đỡ. Tiếp theo lấp đầy hố bằng hỗn hợp chất lỏng nhằm giữ ổn định kết cấu cũng như ngăn nước thấm vào.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu hiệu cảnh báo hố sụt