TP.Hà Nội sẽ tăng cường sử dụng trợ lý ảo trong xử lý công việc hằng ngày; triển khai cơ chế thu nhập tăng thêm để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức...
Đó là thông tin được Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải nêu tại "Hội nghị đánh giá kết quả 4 chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PCI, PGI của thành phố và giải pháp nâng cao các chỉ số" ngày 29.8.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu rõ cải cách hành chính là công việc thường xuyên, liên tục, cần có sự đổi mới, cập nhật kịp thời các chỉ đạo của chính phủ để đặt nhiệm vụ cụ thể, nếu không sẽ "năm nay cao, sang năm lại thấp".
Về các nội dung cụ thể, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong đó chú trọng vai trò của người đứng đầu. Thứ trưởng Long phân tích cần đổi mới trong cách làm, công nghệ, phát huy hiệu quả các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin thay đổi cung cách quản lý.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, triển khai Đề án 06. Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói cần lưu ý chỉ số hài lòng của người dân; đẩy mạnh điện tử hóa các mẫu đơn tờ khai; nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng thân thiện, tiện lợi cho người dân; ban hành chính sách thúc đẩy việc thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến...
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị TP tiếp tục chấn chỉnh và thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, nhất là những vấn đề liên quan đến nhũng nhiễu ở bộ phận "một cửa".
"Sắp tới, khi Luật Thủ đô có hiệu lực, Hà Nội sẽ thực sự có cơ chế, nguồn lực để đề xuất cơ chế, mô hình đặc thù với yêu cầu đặt ra cao hơn. Đặc biệt là có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; thực hiện công khai minh bạch, giải quyết triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nói.
Phó chủ tịch Hà Minh Hải nêu rõ việc triển khai xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện phải xác định rõ hướng tới người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, trung tâm phát triển.
"Ứng dụng iHanoi mà TP vừa triển khai là kênh tương tác để người dân đóng góp ý kiến xây dựng thủ đô. Người dân nhắn tin cho cán bộ đánh giá cao, ủng hộ việc này. Nhiều nội dung khi người dân phản ánh được chính quyền đến xử lý ngay, báo cáo ngay trên hệ thống", lãnh đạo TP nói thêm.
"Các đơn vị cần chủ động, sáng tạo, nhận tiên phong trong việc những mô hình mới để đánh giá, nhân rộng. Vừa qua, chúng ta đã chủ động đề xuất trung ương những cách làm hiệu quả và thành công, như cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, sổ sức khỏe điện tử, trông giữ xe không dùng tiền mặt...", Phó chủ tịch Hà Minh Hải cho biết.
Phó chủ tịch TP cũng yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, toàn diện, công khai, minh bạch; tháo gỡ các điểm nghẽn; rà soát chức năng, nhiệm vụ, phân công phân cấp ủy quyền mạnh mẽ hơn, triệt để hơn theo phương châm "5 rõ, 1 xuyên suốt".
Đáng chú ý, Phó chủ tịch Hà Minh Hải cho biết Hà Nội sẽ tăng cường việc trực tiếp kiểm tra, giám sát qua dữ liệu; tiếp tục rà soát đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. TP cũng sẽ tăng cường sử dụng trợ lý ảo trong xử lý công việc hằng ngày; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm; triển khai cơ chế thu nhập tăng thêm để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức.
TP cũng sẽ tiếp tục công khai minh bạch các kết quả thực hiện để người dân giám sát bởi đây là cách giám sát hiệu quả mới; đổi mới công tác đánh giá cán bộ. TP sẽ dùng phần mềm đánh giá, lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá...
"Trên cơ sở kết quả đánh giá hôm nay, các đơn vị, địa phương cần chủ động rà soát, phân tích và đánh giá kỹ càng tại địa phương mình, xác định rõ những nội dung đã đạt được, những nội dung nào chưa đạt, trách nhiệm thuộc về đơn vị hay cá nhân nào, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới...", lãnh đạo TP.Hà Nội nhấn mạnh.