Nga không bị sụt giảm sản lượng dầu sau khi phát động cuộc chiến tại Ukraine như dự báo, nhưng nước này vẫn phải nỗ lực tìm thêm đối tác mua nếu muốn duy trì sản lượng trong thời gian tới.
Sau khi lao dốc trong tháng 2 lúc cuộc chiến nổ ra, sản lượng dầu Nga đã phục hồi nhanh nhờ năng lực lọc dầu nội địa phát triển và khách hàng châu Á thay thế số khách châu Âu bị mất đi. Tuy nhiên, một lệnh cấm với hầu hết dầu thô Nga sắp có hiệu lực của Liên minh châu Âu (EU) cùng nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng sẽ giáng một đòn mạnh vào các đơn vị sản xuất nước này.
Theo nhà phân tích Viktor Katona thuộc công ty dữ liệu Kpler: “Các doanh nghiệp dầu mỏ Nga đang tận hưởng điều tuyệt vời nhất của mùa hè: nhu cầu nội địa tăng vọt và trừng phạt EU chưa có hiệu lực cho phép họ tăng cường sản xuất. Nhưng trong ngắn hạn thì tình hình chắc chắn thay đổi”.
Ở tháng 7, sản lượng dầu thô cùng dầu ngưng tụ (một loại dầu nhẹ hơn) của Nga đạt mức cao nhất kể từ lúc cuộc chiến nổ ra đến nay: khoảng 10,8 triệu thùng/ngày. Nhà phân tích Katona dự báo sản lượng có thể giảm xuống 10,5 triệu thùng/ngày khi trừng phạt EU với dầu có hiệu lực từ tháng 12, công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy AS đưa ra mức dự báo 10,1 triệu thùng/ngày. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định đến đầu năm 2023, sản lượng dầu Nga giảm đi khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Theo IEA, trừng phạt EU với dầu thô nhập khẩu đường biển và đường ống dẫn từ ngày 5.12 sẽ loại bỏ khoảng 1,3 triệu thùng dầu Nga khỏi thị trường châu Âu, một lệnh cấm nhập sản phẩm tinh chế từ dầu khác (có hiệu lực từ ngày 5.2.2023) làm giảm thêm 1 triệu thùng/ngày nữa.
Nhiều đối tác mua hàng lâu nay từ chối nhập dầu Nga, buộc Moscow tìm đến khách hàng châu Á (phải giảm giá mạnh). Dữ liệu theo dõi hành trình tàu do trang Bloomberg tổng hợp cho thấy lượng dầu thô Nga vận chuyển đường biển sang châu Á trong năm nay tăng thêm gần 800.000 thùng/ngày.
Nhưng Kpler, Rystad và BCS Global Market đều nhấn mạnh, Nga không thể mong chờ châu Á gom hết lượng hàng dư ra khi trừng phạt EU có hiệu lực, vì nhu cầu của khu vực này đã bão hòa.
Chuyên gia độc lập Sergei Vakulenko - người có 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành dầu mỏ Nga - cảnh báo kịch bản xấu nhất là phần sản lượng sắp bị giảm tương đương toàn bộ lượng dầu xuất sang châu Âu bằng đường biển. Ông cùng nhà phân tích Kirill Bakhtin thuộc ngân hàng Sinara nhận định, sản lượng gần như không đổi cho đến cuối năm.
Tờ Kommersant ngày 15.8 cũng cho biết, trong hai tuần đầu tháng 8, sản lượng dầu ngô cùng dầu ngưng tụ của Nga đạt trung bình khoảng 10,47 triệu thùng/ngày – giảm 3% so với tháng 7, chủ yếu do yếu tố thời vụ chứ không phải vì nguyên nhân dài hạn như trừng phạt.
Năng lực lọc dầu
Dù xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga giảm so với mức đỉnh vào mùa xuân, nhưng các đơn vị sản xuất lại được hỗ trợ bởi năng lực lọc dầu phát triển trong lúc nhu cầu trong lẫn ngoài nước đều tăng cao.
Đến cuối năm, nỗ lực chế biến dầu thô ngay trong nước và tăng sản lượng sản phẩm tinh chế có thể giúp Nga tìm thấy thị trường ở châu Âu trước khi lệnh cấm tháng 2.2023 có hiệu lực. Tuy nhiên như vậy đồng nghĩa với việc dầu thô sẽ khó bán hơn.
Vào mùa xuân năm nay - lúc Mỹ cấm nhập dầu Nga, các đơn vị sản xuất Nga tìm được khách hàng ở Trung Đông. Nhưng giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Commodities Markets Analytics LLC Mikhail Turukalov nhận định, nhu cầu tại đây có thể giảm lúc thời tiết mát đi, hơn nữa, trong thời gian thời tiết lạnh năng lực kho vận của Nga cũng không thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt.