Dường như đang có một thực tế, nhiều trẻ được sống đầy đủ, không muốn san sẻ bất cứ thứ gì mình có với mọi người, ngay cả những thứ mà bản thân trẻ không thích hoặc không cần. Thường cho rằng trong gia đình mình là "cái rốn của vũ trụ" và để khẳng định sự độc tôn đó, trẻ giữ khăng khăng những gì mình có, không muốn người thân thể hiện tình cảm với bất kỳ ai.
Uốn nắn con từ nhỏ
Việc giáo dục cho con tính san sẻ ngay từ khi con bạn còn nhỏ là điều rất đáng làm. Việc trẻ nhỏ dưới ba tuổi bực bội, cáu gắt khi phải chia sẻ đồ chơi hay quà bánh cũng chẳng có gì lạ, nhưng cha mẹ không nên chần chừ mà hãy bắt đầu dạy con. Có thể thời gian đầu trẻ cảm thấy khó chịu, nhưng một thời gian sau trẻ sẽ dần cảm thấy thoải mái khi sẻ chia với người khác.
Đừng nên nóng giận
Khi thấy con không muốn nhường đồ chơi, áo quần..., ban đầu cha mẹ đừng nóng giận lên án con là người ích kỷ, sống không biết điều rồi vội vàng yêu cầu con phải biết chia sẻ ngay với mọi người. Như thế trẻ cảm thấy ấm ức vì phải làm điều mình không muốn. Hãy đưa ra yêu cầu thấp một chút, rồi động viên trẻ. Khi bạn bè của trẻ trả lại món đồ, bạn hãy cùng con thử kiểm tra và chắc chắn chúng còn nguyên vẹn để trẻ yên tâm và tin rằng nếu chia sẻ những thứ quý hơn cũng sẽ được hoàn trả như thế, và trẻ sẽ sẵn sàng san sẻ cho mọi người hơn. Hoặc khi trẻ mời bạn ăn một vài cái kẹo, sau đó được bạn mời những chiếc bánh ngon thì cả hai đều cảm thấy ấm áp, vui vẻ, trẻ sẽ dần dần thấy được ý nghĩa thiết thực của việc chia sớt cho mọi người.
Khuyến khích kịp thời
Chỉ cần một cử chỉ, điệu bộ, hay cái nhìn khích lệ, tán thưởng, lời động viên đúng lúc, như "cha mẹ rất vui khi con cho bạn mượn chiếc xe đồ chơi" hay "con của bố thật là rộng rãi"... sẽ giúp trẻ cảm thấy phấn khởi, có động lực để sống thoải mái hơn với mọi người. Nếu tính sở hữu của trẻ quá mạnh và các biện pháp khác tỏ ra không hữu hiệu thì bạn có thể dùng biện pháp trao đổi, chẳng hạn: "Nếu con cho bạn Thu mượn chiếc máy bay, mẹ sẽ cho con một cái kem sô cô la". Khi con bạn bắt đầu hiểu được ý nghĩa của việc san sẻ, bạn hãy để cháu tự mang những đồ vật hay quà bánh của mình cho bạn.
Dạy trẻ qua những nhân vật điển hình
Khi kể chuyện hay cùng xem ti vi với con, bạn hãy hướng cho trẻ vào những tấm gương về sự chia sẻ. Hãy khuyến khích trẻ nói sự cảm nhận của mình trước những hành động hào hiệp. Dạy con theo kiểu "mưa dầm thấm sâu", dần dần trẻ sẽ ngấm và làm theo những điều hay lẽ phải. Một nguyên tắc là cha mẹ đừng kỳ vọng quá nhiều ở trẻ. Để bé học được tính rộng lượng cần một quá trình, đừng vội nản lòng khi thấy con chậm tiến bộ.
Cha mẹ là tấm gương thiết thực nhất, gần gũi nhất đối với trẻ. Hành động san sẻ của cha mẹ cho những người xung quanh mà trẻ chứng kiến có giá trị hơn cả vạn lời nói. Một trong những đặc tính điển hình của trẻ là hay bắt chước, trẻ thường làm những việc chúng thấy cha mẹ làm. Con bạn không thể trở thành người rộng rãi, bao dung, vị tha với người khác nếu hàng ngày nhìn thấy cảnh cha mẹ mình cứ khư khư giữ của, không chia sẻ với ai.
Lê Phạm Phương Lan-Giảng viên tâm lý học(Phụ nữ TP.HCM)