Có nhiều việc mà nếu cha mẹ cho con làm thử thì con có thể làm được, nhưng cha mẹ thường vì định kiến rằng “con mới... tuổi thôi, không làm được đâu” nên không cho con làm.
Năng lực sẽ phát triển khi cần
Một ngày nọ, người mẹ của 7 đứa con nói với tôi rằng “đứa con gái thứ 6 của nhà tôi năm nay mới có 3 tuổi thôi mà tự chuẩn bị để đến trường được rồi đó”. Ngay lúc đó, tôi đã được thức tỉnh: "Ồ, dù chỉ mới 3 tuổi nhưng trẻ vẫn có thể làm được việc!". Trong một gia đình 7 người con, với người con trai cả đang học cấp hai và 6 người con gái đang trong độ tuổi từ sơ sinh đến thiếu niên, thì người cha và anh trai dường như đều đóng vai trò “người cha” với cô con gái út... Sống trong môi trường như thế thì đương nhiên một đứa trẻ mới 3 tuổi đã bắt đầu bước đi trên con đường tự lập cũng là một chuyện bình thường. Khả năng tuyệt vời của con người chính là "năng lực sẽ được phát triển khi cần".
Với người lớn, khi bạn quyết định “tôi phải sống ở nước ngoài” thì cho dù chỉ có thể sử dụng tiếng Anh lõm bõm, vẫn có thể dùng cử chỉ cơ thể, hay bất cứ cách nào khác để cố gắng ứng đối, và trong quá trình đó bạn đã có thể thích nghi một cách kỳ diệu. Trong hoàn cảnh tương tự, nếu còn đang là trẻ con thì còn có thể thích ứng một cách thông minh hơn cả người lớn.
Nhiều người vẫn cho rằng “em bé vẫn chưa thể nói chuyện nên không hiểu cái gì đâu”. Nhưng xin các bậc cha mẹ hãy hiểu rằng trẻ chỉ là chưa thể nói chuyện nhưng vẫn có thể hiểu những điều cha mẹ nói, vì vậy cha mẹ hãy luôn nở nụ cười và kể chuyện thật nhiều cho con nghe. Nếu làm được như vậy thì khi con có thể nói chuyện được, giữa cha mẹ và con sẽ có được cái gọi là “tâm linh tương thông”. Chẳng hạn, khi thay tã cho con, mẹ hãy vừa thay tã và vừa trò chuyện với con rằng: “Con không thoải mái phải không. Mình thay tã sạch nha con”.
Việc giúp đỡ cha mẹ cũng vậy. Khi con lên 2 tuổi, hãy nhờ con những việc vặt, ví dụ: “Con hãy rót nước vào ly cho phần của cha, mẹ và cả con nữa, rồi đặt lên bàn giúp mẹ nhé”. Những đứa trẻ được khen vì giúp đỡ cha mẹ từ lúc 2 tuổi sẽ trở thành người có ý thức tự khẳng định rất cao.
Xin cha mẹ hãy dừng áp đặt quan niệm “mới... tuổi nên dĩ nhiên là không thể rồi", mà hãy suy nghĩ rằng “chỉ mới... tuổi thôi nhưng có lẽ con nhà tôi sẽ làm được", và cho các con trải nghiệm thật nhiều.
Đừng làm giảm sự tự tin ở trẻ
Ý thức tự khẳng định bản thân của học sinh cấp 3 quá thấp được xem như một vấn đề ở Nhật Bản. Theo kết quả của một cuộc khảo sát năm 2011, khi được hỏi: “Em có nghĩ mình là một người có giá trị không?”, trong khi 75 - 90% học sinh cấp 3 ở các nước Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc trả lời “có”, thì chỉ có 36% học sinh cấp 3 của Nhật Bản nghĩ rằng bản thân có giá trị. Và khi được hỏi: “Em có nghĩ mình là một người ưu tú không?”, trong khi 90% học sinh Mỹ, 70% học sinh Trung Quốc và 50% học sinh Hàn Quốc trả lời “có”, thì ở Nhật Bản, con số này chỉ dừng lại ở mức 15%.
Tại sao ý thức tự khẳng định của học sinh cấp 3 ở Nhật Bản lại thấp đến như vậy? Tôi nghĩ một trong những lý do đó là sự “khiêm tốn quá mức” của các bậc phụ huynh. “Khiêm tốn” là một nét văn hóa đẹp của Nhật Bản nhưng nó vẫn có điểm bất cập. Khi được khen: “Con nhà anh giỏi quá!”, cha mẹ thường sẽ trả lời rằng: “Không đâu. Con nhà tôi có làm được gì to tát đâu...”. Cho dù cha mẹ không thật sự nghĩ như vậy, thì vẫn trả lời như thể con mình chỉ là một “đứa trẻ khờ”. Dù trực tiếp hay gián tiếp, những lời nói đó của cha mẹ dần dần sẽ làm giảm đi cảm giác tự tin của trẻ.
Ngay bây giờ, ngay hôm nay, tôi mong rằng các bậc phụ huynh sẽ xem những câu nói “khiêm tốn quá mức” đó là những câu nói tiêu cực; nếu con mình được khen, hãy thành thật “cảm ơn” người đã khen con. Cha mẹ cũng không nên nói những câu tiêu cực với con như “con đúng là chẳng làm được gì”. Nếu mong muốn sau này con có thể làm được những điều mà bây giờ con chưa thực hiện được thì cha mẹ hãy chọn một cách nói phù hợp, hãy dành lời khen cho những tiến bộ nhỏ nhất của con.
Và còn một điều nữa, cha mẹ hãy để tâm tìm ra năng khiếu của con, bồi dưỡng năng khiếu đó đến khi trẻ tự tin “với việc này thì mình sẽ không thua một ai”. Nếu tài năng của con có thể giúp ích cho việc học ở trường thì cha mẹ thường sẽ sẵn lòng ủng hộ. Tuy nhiên, nếu việc mà con giỏi không thể giúp ích cho việc học ở trường thì cũng không sao cả. Ví dụ, trẻ có thể kể tên toàn bộ các trạm xe điện ở nơi mình sống theo thứ tự hay chỉ cần nhìn dáng xe ô tô là có thể đoán được đó là loại xe nào... Đó đều được xem là tài năng của trẻ.
Nếu con giỏi trong một việc gì đó, chẳng hạn con nghĩ rằng “mình có thể làm được việc này”, thì con sẽ không còn những suy nghĩ tự hạ thấp bản thân mình như “mình chẳng là gì” nữa.
(Theo sách 33 bài thực hành theo phương pháp Shichida - Giúp phát triển não bộ cho trẻ).