Mới đây, phát biểu của GS Trần Ngọc Thêm về khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã thu hút sự chú ý cũng như gây tranh luận trong xã hội.

Tranh luận về bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn': Không cần xóa bỏ cái này để đề cao cái kia

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 25/11/2021, 15:05

Mới đây, phát biểu của GS Trần Ngọc Thêm về khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã thu hút sự chú ý cũng như gây tranh luận trong xã hội.

Tại hội thảo giáo dục về chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo", GS Trần Ngọc Thêm đã gây chú ý khi phát biểu: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo vì xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động.

Môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi".

Bởi vì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo và để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện. "Tiên học lễ" đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều" - GS Trần Ngọc Thêm khẳng định.

Tranh luận về vấn đề này, PGS - TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng muốn thay đổi thì cần thay đổi tư duy chứ không chỉ là thay đổi khẩu hiệu.

"Quan trọng nhất chính là cần đổi mới giáo dục theo hướng phát triển, lấy chủ thể làm nền tảng của sự sáng tạo chứ không nhất thiết tập trung vào thay khẩu hiệu. Việc có khẩu hiệu để con người nhớ tới ơn nghĩa người dạy dỗ mình chứ không phải gò ép bản thân không phát triển. Ở đây được hiểu chính là sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, phát huy năng lực của học trò và để tư duy các em phong phú hơn. Chứ không phải bảo các em quên đi gốc gác, quên đi cái việc đầu tiên khơi nguồn dạy dỗ về hiểu biết xã hội chính là người thầy truyền đạt tới các em. Con người, cái "Đức" là cái cơ bản nhất cũng như quan trọng nhất trong cuộc sống, nếu không có "Đức" thì có phát triển thế nào cũng không thể nào đạt tới điểm cuối cùng của tư duy. Chính vì thế, không cần thiết phải bỏ đi khẩu hiệu "Tiên học lễ" mà lâu nay ngành giáo dục vẫn sử dụng" - ông Nhĩ nói.

lop-su-6.jpg
Học sinh là nòng cốt của sự phát triển xã hội, nếu bỏ đi giá trị cốt lõi sẽ tạo nên một thế hệ chỉ quan tâm đến cá nhân của mình

PGS - TS Trần Xuân Nhĩ còn khẳng định việc bỏ khẩu hiệu có thể giúp giáo viên hướng tới phương pháp dạy hiện đại, phát triển năng lực tư duy của học sinh nhưng nếu học sinh vừa có nền tảng tri thức lại vừa có văn hóa, trong văn hóa là có "lễ" với chính thầy cô của mình thì học sinh cũng sẽ tự phát triển được tư duy chứ không cần bỏ khẩu hiệu.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng có những giá trị văn hóa của người xưa để lại là vô cùng quý báu. Để có một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc có kiến thức thì con người lại càng không nên bỏ đi lối sống đạo đức, quan trọng nhất vẫn là người thầy cần bỏ đi tư duy mình "được quyền" còn học sinh không thể bỏ đi sự kính trọng dành cho người dạy dỗ mình.

“Tôi nghĩ “Lễ” là điều cần có nhưng cái phương thức để thể hiện các quy tắc ứng xử đó có thể sẽ khác đi. Nếu chỉ vì nghĩ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tập trung quá nhiều vào người thầy và giờ muốn tập trung vào học trò mà bỏ khẩu hiệu này đi thì tôi cho là hơi khiên cưỡng. Ở trong môi trường trường học, vẫn phải có những quy tắc, nguyên tắc ứng xử cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cách thức có thể khác nhưng tôi nghĩ vẫn cần có khuôn khổ, tôn trọng người thầy. Ngoài ra, nhiệm vụ giáo dục không phải chỉ hình thành về mặt học thức mà còn cả nhân cách cho trẻ. Muốn hình thành nhân cách thì trẻ cũng cần phải biết kính trên nhường dưới, ứng xử đúng mực theo văn hóa, truyền thống. Hiện nay, nhiều hiện tượng cho thấy giáo dục đạo đức trong nhà trường đang bị buông lỏng, một bộ phận học sinh sa sút về văn hóa ứng xử, lối sống, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên có những mâu thuẫn, bất cập, thì yêu cầu, mục tiêu “tiên học lễ”, “trồng người” càng cần được chú trọng, đề cao".

Còn với GS - TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam thì lâu nay khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã trở thành khẩu hiệu không thể thiếu ở các trường học, nó ngoài việc mang ý nghĩa tốt đẹp nhắc nhở học sinh cũng như giáo viên khi bước vào môi trường giáo dục cần "tu thân", học cách ứng xử, cư xử sao cho phải phép của một người thầy, người trò, có trên có dưới.

"Nền tảng tri thức là giáo dục là đạo đức, nếu không có đạo đức thì con người làm sao làm chủ được tương lai, làm chủ được công nghệ (...) Tư duy của giáo dục hiện nay là cần phản biện, cần khai phóng nhưng cũng cần sự lễ độ, học hỏi văn hóa. Hai phạm trù này khác nhau, không hề mâu thuẫn nên không cần phải xóa bỏ cái này để tôn vinh cho cái kia" - PGS - TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh luận về bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn': Không cần xóa bỏ cái này để đề cao cái kia