Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị xét nghiệm cho các đại biểu 2 lần: lần thứ nhất trước 7 ngày và lần thứ 2 trước khi khai mạc kỳ họp.

Đề nghị xét nghiệm ĐBQH 2 lần trước khi khai mạc kỳ họp

Lam Thanh | 14/06/2021, 21:02

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị xét nghiệm cho các đại biểu 2 lần: lần thứ nhất trước 7 ngày và lần thứ 2 trước khi khai mạc kỳ họp.

Khai mạc vào ngày 20.7

Tại phiên họp thứ 57 diễn ra vào chiều 14.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15.

bui-van-cuong.jpg
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15.

Dự kiến, tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày. Trong đó, công tác nhân sự gồm 5 ngày; việc xem xét các báo cáo và một số nội dung khác có 4,5 ngày; công việc trù bị có 0,5 ngày; lễ khai mạc, bế mạc gồm 1 ngày; chương trình dự phòng có 0,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều 19.7; khai mạc vào ngày 20.7 và dự kiến bế mạc vào sáng 3.8.2021.

Dự kiến chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng Không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian.

Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 vào ngày 20.7.2021.

Về dự kiến chương trình kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị không bố trí xen kẽ công tác nhân sự với các nội dung khác mà thống nhất thực hiện công tác nhân sự trước vào thời gian đầu kỳ họp. Sau đó Quốc hội mới triển khai thực hiện xem xét các báo cáo và nội dung quan trọng khác trong gian đoạn sau của kỳ họp nhằm đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, quy trình, thủ tục trình các báo cáo, đồng thời cân nhắc kỹ .tính pháp lý của các báo cáo, văn bản trình Quốc hội.

Nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, đa số các thành viên Ủy ban Thương vụ Quốc hội thống nhất cao công tác phòng chống dịch bệnh cần được thực hiện nghiêm ngặt, kỹ lưỡng hơn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, cần xét nghiệm cho các đại biểu 2 lần: lần thứ nhất trước 7 ngày và lần thứ 2 là trước khi khai mạc kỳ họp. Ngoài ra, người được tiêm vắc xin xong vẫn có khả năng lây nhiễm nên mỗi đại biểu cần nâng cao ý thức để phòng, chống dịch bệnh.

Đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế không chỉ xét nghiệm một lần cho các đại biểu quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mà phải xét nghiệm nhiều lần, đồng thời phải tiêm vắc xin sớm, tiêm đủ 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 20 ngày và thực hiện tốt 5K.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần có thời gian để thảo luận công tác nhân sự tại Đoàn về số lượng, cơ cấu, qua đó đội ngũ thư ký ghi chép, tổng hợp nội dung ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tất cả các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV là ngày 20.7.2021.

Ngoài báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021, kỳ họp thứ nhất còn có thêm báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 5 năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ hai chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của nhiệm kỳ tới.

Chủ tịch Quốc hội thống nhất cao tách bạch hai nội dung là thực hiện xong công tác nhân sự vào thời gian đầu của kỳ họp, sau đó tập trung xem xét các báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… nhằm rõ ràng, mạch lạc giữa hai nội dung này; thống nhất phương thức họp tập trung tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị kỳ họp này cần có ngay những đổi mới trong công tác tổ chức, nâng cao chất lượng công tác thảo luận tại tổ.

Thời lượng để trình các báo cáo cần giảm bớt cho hợp lý, không nên quá dài, làm sao để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn nâng cao chất lượng kỳ họp. Đặc biệt, cần quyết tâm đổi mới đội ngũ thư ký, nhất là thảo luận tại tổ phải chuyên nghiệp hơn.

Đại biểu quốc hội nói gì thì thư ký phải tổng hợp được ngay. Sau khi có ý kiến tại các đoàn, tổ, thư ký phải tổng hợp cái gì thống nhất cao, cái gì còn có ý kiến khác nhau, cần thảo luận thêm để tránh vấn đề đó ở tổ được nói tới nhiều nhưng không được phản ánh hoặc nói lại ở hội trường.

Đồng thời đề nghị tất cả báo cáo của Chính phủ chuyển sang thì chất lượng phải cao hơn, báo cáo thẩm tra kéo dài hơn hoặc giữ nguyên sao cho hợp lý nhưng phải ngắn gọn hơn và chất lượng hơn, tờ trình rút ngắn thời gian hơn nhưng tổng thời gian các báo cáo giảm so với trước đây.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong phiên họp lãnh đạo chủ chốt, Thường trực Ban Bí thư đã thống nhất và có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, các tỉnh thành phố trên cả nước có kế hoạch xét nghiệm và tiêm vắc xin cho tất cả đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Bên cạnh đó, thành viên Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các cán bộ phục vụ tại tòa nhà và phóng viên đưa tin cũng cần được xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin.

Quốc hội sẽ giám sát vấn đề gì?

Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 43 Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát không quá 02 chuyên đề trong 01 năm, bố trí tại phiên họp tháng 8 và tháng 9”.

Tuy nhiên, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ quy định theo hướng báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm tại kỳ họp giữa năm của năm sau.

Theo đó, việc chuyển nội dung theo ý kiến nêu trên vẫn bảo đảm tiến độ báo cáo Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Về tổng hợp chuyên đề giám sát của các cơ quan, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, qua rà soát các nội dung đã thực hiện và cân đối các lĩnh vực, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến, đề xuất 8 chuyên đề để xin ý kiến.

Đối với các ý kiến đề xuất liên quan đến đất đai, Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, đây là vấn đề lớn; hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và tổng kết thi hành Luật Đất đai. Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này.

Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, 6 chuyên đề được lựa chọn:

Chuyên đề 1, việc thực hiện pháp luật về công tác lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

Chuyên đề 2, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm về tài chính, tài sản công, mua sắm công, dịch vụ sự nghiệp công…).

Chuyên đề 3, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội) và kinh doanh bất động sản trong giai đoạn 2015-2020.

Chuyên đề 5, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2012 đến ngày 1.7.2021.

Chuyên đề 6, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển năng lượng.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 trong số 6 chuyên đề theo Phiếu xin ý kiến. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh chỉ ra rằng, vấn đề đất đai có đến 21 cơ quan đề nghị. Mặc dù Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tổng kết về vấn đề này nhưng tổng kết này chủ yếu là chúng ta dựa trên báo cáo. Nếu Quốc hội có điều kiện đi giám sát về việc này trước khi chúng ta xem xét, thông qua Luật Đất đai bổ sung, sửa đổi sẽ có nhiều thông tin từ thực tế, nhiều cơ sở thực tiễn để xem xét khi quyết định một vấn đề tương đối khó này.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ ra rằng, rất nhiều nội dung mà nhân dân muốn giám sát, rất nhiều nội dung mà các cơ quan muốn giám sát nhưng thời hạn giám sát và nhân lực có ít. Một năm Quốc hội giám sát tối cao 2 lần và Thường vụ cũng 2 lần, còn lại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đa số các vấn đề bức xúc nhất thường là các vấn đề phát triển kinh tế, đất đai và môi trường. Do đó, cần cân nhắc, lựa chọn kỹ các nội dung giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, 6 nội dung này đều rất cần thiết. Chủ tịch Quốc hội đề xuất, trước hết Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 4 sau đó đưa ra Quốc hội sẽ chọn 2 nội dung, còn 2 nội dung nữa sẽ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng khuyến nghị 2 nội dung còn lại nếu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đưa vào chương trình giám sát hoặc giải trình.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã lựa chọn 4 trong 6 chuyên đề để đưa ra Quốc hội. Các chuyên đề được chọn theo thứ tự là 1, 2, 3 và 5.

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị xét nghiệm ĐBQH 2 lần trước khi khai mạc kỳ họp