Tounus, một thị trấn nhỏ ở miền Đông nước Pháp thu hút du khách không chỉ vì cảnh đẹp mà bởi món thịt gà được cho là đắt nhất thế giới.
Gà Bresse được nuôi tại đây, và chỉ xuất khẩu ra các khu vực bên ngoài rất ít, chỉ khoảng 5% chính vì vậy, du khách muốn thưởng thức món thịt gà trứ danh này thì phải tới tận thủ phủ của loại gà này. Một số cửa hàng thịt của Paris, cũng có bán món gà này nhưng giá rất đắt, khoảng 40 euro/ký (48 USD), chính vì vậy, nó trở thành loại thịt gà đắt nhất thế giới.
Trong một bài viết trên CNN Travel, cây bút John Malathronas khen món gà ngọt, thịt trắng mềm và chắc, da mỏng và ít béo.
Tác giả đã đi đến thị trấn này để thưởng thức món ăn trứ danh này, được thực hiện bởi đầu bếp Jean-Michel Carrette. Vị đầu bếp này tiếp quản công việc kinh doanh của cha mình năm 2005 và đang giữ ngôi sao Michelin của Aux Terrasses với phong cách chế biến món ăn giàu tính sáng tạo.
"Tôi thích sử dụng thịt gà Bresse vì chất lượng sản phẩm địa phương đạt mức cao nhất thế giới", anh nói.
Thịt gà Bresse là nguyên liệu yêu thích của các đầu bếp Michelin, cũng như các Tổng thống Pháp.
Đây cũng là thực phẩm sống đầu tiên được cấp chứng nhận bảo vệ nguồn gốc ở châu Âu (AOC) hiện đang có giá trị trên khắp Liên minh châu Âu, một thứ thường được cấp cho các mặt hàng như Champagne, Parma ham hoặc pho mát Stilton.
Thị trấn Louhans được coi là “thủ phủ” của gà Bresse, và chúng được nuôi trong trong một khu riêng biệt. Có khoảng 180 trang trại chăn nuôi gà Bresse trong một khu vực được xác định hợp pháp.
Trang trại của gia đình Laurency, cách Louhans 7km, nuôi khoảng 20.000 con gà Bresse mỗi năm. Các nông dân được yêu cầu phải tạo cho mỗi con gà một không gian rộng tối thiểu là 10m2, có ánh sáng khuếch tán thấp và thư giãn.
Trong lịch sử, gà Bresse ăn hạt bắp ngô. Tuy nhiên, san này nông dân nuôi gà với hỗn hợp bột ngô, lúa mì và sữa khô. Thức ăn của gà được cố tình “nghèo” Protein, để chúng phải tự bổ sung vào chế độ ăn của mình bằng cách đi ăn côn trùng, giun, ốc và cỏ…
Gà Bresse trưởng thành nhanh.Trước khi được đưa tới lò mổ thì gà được nuôi trong chuồng gỗ để cơ của chúng chuyển hóa thành mỡ.Chúng được đưa đến lò mổ trước 4 tháng tuổi, chỉ một số con cái thì chậm hơn 1 tháng.
Khi giết gà, người ta bọc gà thịt trong một tấm vải để bảo tồn hương vị của gà và thể hiện sự tôn trọng với con vật. Đây cũng là kỹ thuật bảo quản cô, để con vật chết không tiếp xúc với không khí, có thể để trong tủ lạnh khoảng 3 tuần; ngoài ra, việc gói gém chặt giúp chất béo phân tán đều. "Tuy nhiên, sâu xa hơn, đó là cách thể hiện sự tông trong đối với con vật "- Rachel Roussel-Voisard, nhà tạo giống và người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng nuôi gia cầm hàng đầu của thị trấn.
Nhật Hạ (Theo CNN)