Theo TGĐ Công nghệ Uber toàn cầu Thuận Phạm, bất kỳ một thành công nào cũng phải trải qua hàng ngàn thất bại trước đó và thất bại nào cũng có giá trị của nó, quan trọng là xã hội phải chấp nhận sự thất bại ấy như một lẽ thông thường, không có sự kỳ thị hay thành kiến nào thì mới tạo ra không gian sáng tạo và phát triển một cách thoải mái nhất cho cộng đồng khởi nghiệp.

Dẹp bỏ thành kiến để cộng đồng khởi nghiệp thoải mái sáng tạo

Thu Anh | 25/07/2017, 23:22

Theo TGĐ Công nghệ Uber toàn cầu Thuận Phạm, bất kỳ một thành công nào cũng phải trải qua hàng ngàn thất bại trước đó và thất bại nào cũng có giá trị của nó, quan trọng là xã hội phải chấp nhận sự thất bại ấy như một lẽ thông thường, không có sự kỳ thị hay thành kiến nào thì mới tạo ra không gian sáng tạo và phát triển một cách thoải mái nhất cho cộng đồng khởi nghiệp.

Ngày 25.7 tại Hà Nội, TGĐ Công nghệ Uber toàn cầu Thuận Phạm đã có buổi trò chuyện cùng cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong chương trình “Cùng công nghệ làm nên điều kỳ diệu”.

Không bao giờ hạ tiêu chuẩn nhân sự

Gia nhập Uber từ năm 2013, trong suốt quãng thời gian “sống chung” cùng Uber, ông Thuận Phạm đã gặp không ít những thất bại trước khi đưa Uber trở thành dịch vụ có mặt tại hơn 450 thành phố trên khắp thế giới với hàng chục triệu chuyến xe mỗi ngày.Ông kể lại, ở những ngày đầu khi muốn xây dựng những thứ hoàn hảo, ông và công ty đã phải vứt bỏ rất nhiều thứ và đó là khoảng thời gian khiến TGĐ Công nghệ của Uber toàn cầu chỉ dám nghĩ đến việc làm sao duy trì công nghệ đó trong khoảng thời gian ngắn.

Về những thất bại của Uber trong giai đoạn đầu, vị TGĐ khẳng định: “Chúng tôi thất bại hàng ngày. Trong 18 tháng đầu, hầu như tuần nào cũng thất bại nhưng Uber được thành công như hiện nay hoàn toàn do chúng tôi đã có quá nhiều thất bại”.Theo đó, ông lấy ví dụ về một kỹ sư mong muốn cải thiện chức năng trong hệ thống nên đã thay đổi tên gọi khiến toàn bộ hệ thống phải khởi động lại và ảnh hưởng tới hệ thống khoảng 90 phút. Hay như vào năm 2015, hệ thống của Uber cũng bị gián đoạn 30 giờ… Nhưng đó đều là những bài học kinh nghiệm giúp Uber cải thiện chất lượng dịch vụ, ổn định về kỹ thuật, xây dựng những quy trình xử lý sự cố kịp thời để không đánh mất niềm tin ở khách hàng.

Ông Thuận Phạm (trái) trong buổi trò chuyện diễn ra tại Hà Nội - Ảnh: Thu Anh

Tuy nhiên, điều khiến cho cả khán phòng ngạc nhiên không phải là sự “lớn lên” của Uber qua những thất bại mà là việc ông Thuận Phạm khẳng định: “Qua những sai lầm đó, không ai bị sa thải bởi chúng tôi biết rằng không thể dự báo được thất bại. Sau những sai lầm đó, chúng tôi đã kiểm điểm lại và nhận thấy rằng cần phải có những chuyên gia, có đội ngũ kỹ sư giỏi mới có thể tăng được lượng khách hàng”.

Cũng theo ông Thuận Phạm, đằng sau sự phát triển của mỗi công ty công nghệ luôn là sự song hành của hai yếu tố kĩ thuật và con người. Thách thức không chỉ nằm ở việc phát triển công nghệ, mà còn là quản lý những người hoàn thiện và vận hành công nghệ ấy.

“Tại Uber, chúng tôi chia toàn bộ các kĩ sư thành 50 - 60 nhóm, mỗi nhóm có một nhiệm vụ riêng biệt, với định hướng và lộ trình thực thi cụ thể. Có những nhóm chuyên phụ trách xây dựng hạ tầng lưu trữ, tính toán… để các nhóm khác dựa vào đó vận hành công việc trơn tru. Bí quyết nằm ở cách bạn phân công công việc hợp lý và rạch ròi về nhiệm vụ và tạo được môi trường để mọi người thẳng thắn chia sẻ các vấn đề, cùng giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau trong một tập thể đoàn kết”, ông Thuận nhấn mạnh.

Thất bại nào cũng có giá trị

Tại sự kiện, bà Đỗ Thị Tú Anh – Phó GĐ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho rằng khởi nghiệp ở Việt Nam đang đi sau các nước khác trong khu vực nên hoạt động còn sơ khai và các bạn trẻ đang gặp rất nhiều khó khăn; trong khi đó những hoạt động hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức xã hội… hiện nay hoàn toàn không đủ để giúp cho các bạn vững vàng khởi nghiệp và chất lượng sáng tạo của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hiện nay chưa được như mong muốn.

Nhận xét về tình hình hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Thuận Phạm cho rằng từ số lượng doanh nghiệp triển vọng dồi dào, có thể thấy Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định. Sự đề cao về mặt sáng tạo trong công nghệ, cũng như nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ Việt Nam là động lực lớn để Việt Nam đạt đến mục tiêu trở thành “quốc gia khởi nghiệp”.

Ông Thuận Phạm được biết đến là một trong những người gốc Việt quan trọng nhất của Silicon Valley (Mỹ) - Ảnh: BTC

Tuy nhiên, ông Thuận Phạm chia sẻ: “Nói đến khởi nghiệp là đồng nghĩa với sự thất bại. Bất kỳ một thành công nào cũng phải trải qua hàng ngàn thất bại trước đó. Nhưng thất bại nào cũng có giá trị của nó, có thất bại mới có thể lớn, quan trọng là xã hội phải chấp nhận sự thất bại ấy như một lẽ thông thường, không có sự kỳ thị hay thành kiến nào thì mới tạo ra không gian sáng tạo và phát triển một cách thoải mái nhất cho cộng đồng khởi nghiệp''.

Bài học giá trị đầu tiên dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp mà vị TGĐ đề cập tới chính là đừng vội quan tâm đến việc mở rộng quy mô công ty mà hãy quan tâm sản phẩm đó có mang đến giá trị thiết thực cho người dùng hay không.

Khi các startup giải quyết được vấn đề của người dùng theo cách khiến họ hài lòng, tự nhiên giá trị công ty sẽ được nâng tầm, khi ấy công nghệ sẽ cất cánh. Liên quan tới yếu tố công nghệ và kỹ thuật đằng sau đó, các doanh nghiệp non trẻ hoàn toàn có thể tận dụng và bổ sung giá trị vào những giải pháp đã sẵn có trên thị trường thay vì dành quá nhiều thời gian vào việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới.

Tốt nghiệp trường đại học MIT danh tiếng hàng đầu nước Mỹ, trước khi đến với Uber, ông Thuận Phạm đã từng đảm nhận vai trò lãnh đạo đội ngũ kỹ thuật tại nhiều tập đoàn công nghệ danh tiếng như VMWare, Westbridge và Doubleclick…

Ông Thuận Phạm gia nhập khi Uber chỉ mới hoạt động tại 60 thành phố với 40 kỹ thuật viên. Chỉ trong 4 năm, ông đã không ngừng phát triển khối Kỹ thuật lên tới hơn 2.000 người và giải quyết vô số những thách thức đặt ra trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ của Uber để đưa dịch vụ chia sẻ chuyến đi tới người dùng tại hơn 450 thành phố trên khắp thế giới. Ông Thuận Phạm cũng được biết đến là một trong những người gốc Việt quan trọng nhất của Silicon Valley (Mỹ), vào năm 2016, ông được vinh danh là “Niềm tự hào của nước Mỹ”.

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dẹp bỏ thành kiến để cộng đồng khởi nghiệp thoải mái sáng tạo