Bệnh viện Đà Nẵng đã được “phong tỏa”, học sinh các trường đã được thông báo nghỉ học, các vũ trường, quán bar, karaoke và một số dịch vụ giải trí khác đã được thông báo tạm ngừng hoạt động…tất cả nhằm mục đích giúp thành phố lớn nhất miền Trung nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Ngay từ sáng ngày 26.7, sau khi thông tin về bệnh nhân thứ 418 được Bộ Y tế công bố, các nhân viên của Bệnh viện Đà Nẵng đã dán thông báo lên các cổng ra vào của Bệnh viện này để thông báo cho người bệnh và người nhà bệnh nhân hạn chế ra khỏi Bệnh viện để công tác kiểm soát dịch bệnh được thuận lợi nhất.
Cụ thể, dòng thông báo: “Để tập trung phòng chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện Đà Nẵng thông báo, kể từ ngày 26.7, Bệnh viện Đà Nẵng không triển khai khám bệnh ngoại trú, dừng tiếp nhận điều trị nội trú mới vào tất cả các ngày trong tuần, trừ trường hợp cấp cứu”.
Cùng với đó, Bệnh viện Đà Nẵng cũng thông báo cho những người có đăng ký bảo hiểm y tế tại Bệnh viện, trong thời gian tới có thể đăng ký khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế khác có hợp đồng khám, lãnh đạo Bệnh viện sẽ thông báo thời gian trở lại hoạt động bình thường khi dịch bệnh lắng xuống.
Việc “phong tỏa” Bệnh viện Đà Nẵng khiến nhiều người dân, đặc biệt là người đến chăm sóc bệnh nhân lâm vào cảnh khó xử. Các nhân viên Bệnh viện thông báo cho người nhà bệnh nhân đến thăm và chăm sóc rằng nếu vào Bệnh viện sẽ phải chấp nhận cách ly 14 ngày. “Các nhân viên Bệnh viện sẵn sàng đưa giúp đồ ăn vào cho người nhà chúng tôi, họ khuyên chúng tôi không nên vào Bệnh viện trong một vài ngày tới”, một người dân cho biết.
Đến trưa ngày 26.7, thông báo cho học sinh, sinh viên toàn TP Đà Nẵng đã được ban hành, theo đó để đảm bảo cho việc kiểm soát dịch bệnh được diễn ra thuận lợi, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đã quyết định cho các trường học đóng cửa phòng dịch.
Cũng từ trưa ngày 26.7, UBND TP Đà Nẵng đã thông báo tạm ngừng hoạt động các dịch vụ vui chơi giải trí như vũ trường, quán bar, quán karaoke, massage… để phòng dịch bệnh, các dịch vụ trên sẽ tạm thời đóng cửa trong vòng 15 ngày, sau đó chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có thông báo.
Ở diễn biến khác, các nhân viên CDC TP Đà Nẵng đã và đang khẩn trương tiến hành công tác xác minh những người có liên quan đến 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Hiện tại CDC Đà Nẵng đã xác định được 8 người nằm trong diện F1 với bệnh nhân 418, số người thuộc diện F2 với bệnh nhân này đang được tích cực xác minh khoanh vùng và theo dõi sức khỏe kịp thời.
Song song với việc xác minh những người có liên quan đến 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19, CDC đã triển khai hàng loạt các biện pháp xét nghiệm trên diện rộng với những người nghi nhiễm qua đó khoanh vùng, tìm ra nguồn bệnh.
Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã hỗ trợ địa phương này 10.000 bột test thử do Việt Nam sản xuất, được thực hiện theo phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa, phương pháp này sẽ được thực hiện trên diện rộng. Phương pháp Elisa đơn giản, ít tốn kém hơn so với xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của những người nghi ngờ có tiếp xúc, có biểu hiện bất thường về sức khỏe để kiểm tra kháng thể được tạo ra đối với vi rút đó. Có thể căn cứ vào kháng thể để xác định bệnh nhân đã nhiễm bệnh hoặc từng nhiễm bệnh.
Riêng những người tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân 416 và 418 sẽ được đưa vào nhóm có nguy cơ cao, sẽ được xét nghiệm bằng phương pháp truyền thống kỹ thuật RT-PCR.
Quế Sơn