Không chỉ bị ách tắt bởi thủ tục pháp lý, thị trường bất động sản TP.HCM còn đang trong tình thế "lâm nguy" vì sự "càn quét" của dịch do coronavirus gây ra.

Dịch bệnh do coronavirus gây khó cho nhân viên môi giới bất động sản

08/02/2020, 16:49

Không chỉ bị ách tắt bởi thủ tục pháp lý, thị trường bất động sản TP.HCM còn đang trong tình thế "lâm nguy" vì sự "càn quét" của dịch do coronavirus gây ra.

Ảnh minh họa từ China Daily

Khách hàng không muốn ra đường

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đây là một giai đoạn hết sức khác thường của thị trường bất động sản TP.HCM cũng như cả nước.

Ở các năm trước, thời điểm sau Tết âm lịch là lúc các doanh nghiệp bất động sản đều ra quân rầm rộ với các kế hoạch giới thiệu, bán hàng rình rang. Tuy nhiên, sau Tết Âm lịch 2020 thì toàn bộ thị trường vắng lặng, nhiều doanh nghiệp địa ốc hủy bỏ toàn bộ các kế hoạch ra mắt, giới thiệu, quảng bá dự án do lo sợ sự lây lan của coronavirus.

"Không chỉ vậy, tâm lý khách hàng, người mua nhà và nhà đầu tư hiện nay xuống rất thấp. Thị trường đã thiếu nguồn cung cho người có nhu cầu thật một cách trầm trọng, nay thêm cơn dịch do coronavirus làm mọi khách hàng dường như không muốn ra đường, tránh những nơi đông người, không có một chút động lực tìm hiểu dự án", ông Lê Hoàng Châu nói.

Chẳng hạn, một sàn môi giới bất động sản tại quận 9 vốn có hoạt động trở lại từ ngày mùng 6 Tết Âm lịch 2020. Tuy nhiên coronavirus đã khiến cho kế hoạch thay đổi. Hiện nhiều môi giới được cho làm việc ở nhà, số khác thì xin về quê vì khách hàng đang hạn chế gặp mặt, trong khi đặc thù của nghề môi giới bất động sản là cần thiết gặp mặt trực tiếp, tổ chức bán hàng tập trung đông người.

Dạo quanh một số văn phòng của sàn giao dịch và công ty môi giới bất động sản ở TP.HCM cũng có thể nhận thấy họ chưa có dấu hiệu hoạt động sôi nổi trở lại.

Ngay cả một doanh nghiệp bất động sản lớn có trụ sở ở quận Bình Thạnh cũng phải hủy bỏ kế hoạch tổ chức một đợt mở bán quy mô lớn ngay đầu năm 2020.

Nói một cách khác, tâm lý khách hàng trong thời điểm này là e ngại đám đông và hạn chế tiếp xúc người lạ. Do đó, các doanh nghiệp địa ốc chỉ còn cách chủ động thay đổi phương pháp tiếp cận và bán hàng.

Ví dụ, nếu các sự kiện bán hàng trực tiếp không thể tổ chức thuận lợi thì thay bằng giải pháp công nghệ để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin ngay tại nhà.

Ngoài ra, nhu cầu đầu tư có thể hạ nhiệt nhưng nhu cầu nhà ở vẫn tăng trưởng ổn định vì vậy cần tập trung vào giá trị sản phẩm phục vụ nhu cầu an cư bao gồm đầu tư cho hạ tầng, tiện ích và đảm bảo tiến độ xây dựng bàn giao nhà.

Tất cả đều đang hy vọng dịch do coronavirus sẽ không lây lan quá rộng, có thể nằm trong vòng kiểm soát được để năm 2020 không phải là một năm khó khăn nữa của ngành địa ốc.

Các con số đều giảm

Tuy nhiên, dịch do coronavirus gây ra chỉ là một vấn đề của thị trường hiện nay, vấn đề lớn nhất vẫn là khía cạnh pháp lý.

Theo một báo cáo của HoREA, năm 2019 cả thành phố chỉ có 1 “dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở” được “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án, tương đương tỉ lệ 92%. Chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 24 dự án, tương đương 85%. Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận đầu tư”, giảm 64 dự án, tương đương 80%.

Cũng năm qua, TP.HCM có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư “đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai”, giảm 14,1% so với năm 2018, bao gồm: căn hộ cao cấp 15.758 căn, chiếm tỉ lệ áp đảo lên đến 67,1%; căn hộ trung cấp có 5.284 căn, chỉ chiếm tỉ lệ 22,5%; căn hộ bình dân có 2.395 căn, chỉ còn chiếm tỉ lệ 10,2%.

Số lượng dự án nhà ở tập trung nhiều nhất tại quận 9 (9 dự án), quận 7 (8 dự án), quận 2 (6 dự án), huyện Bình Chánh (4 dự án). Năm 2019, không có dự án nhà ở xã hội mới và chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội (cũ) với 2.281 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.

Ông Lê Hoàng Châu nhận định, cùng mặt bằng pháp lý như nhau nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP.HCM thì bị vướng còn tại các địa phương khác lại không; các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất nhà nước quản lý tương tự nhau nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không được phê duyệt nên chưa đảm bảo tính công bằng.

Do vậy, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Cung ít đẩy giá nhà tăng cao, trong đó căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20%. Cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018.

Một hệ quả có thể thấy được là số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.

Thi Anh tổng hợp

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá bất động sản
Thủ tướng vừa ký Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 15.1.2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản, và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch bệnh do coronavirus gây khó cho nhân viên môi giới bất động sản