Theo phân tích của báo Guardian ngày 17.4, lộ trình mở lại nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Donald Trump bị nhận xét là nhập nhằng khó hiểu.

Dịch COVID-19: Lộ trình mở lại nền kinh tế Mỹ của ông Trump bị chê khó hiểu

17/04/2020, 16:31

Theo phân tích của báo Guardian ngày 17.4, lộ trình mở lại nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Donald Trump bị nhận xét là nhập nhằng khó hiểu.

Nhân viên y tế Mỹ đối mặt nguy cơ lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: New York Times

Vị chủ nhân Nhà Trắng hôm 16.4 (giờ Mỹ) đã công bố Bộ Hướng dẫn, để làm cơ sở cho thống đốc các bang tự quyết định có nên mở cửa lại nền kinh tế địa phương. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố chỉ mỗi ông có quyền quyết, và ông từng đòi mở cửa lại nền kinh tế vào dịp lễ Phục sinh ngày 12.4 vừa qua.

Ông Trump trao quyền tự quyết cho các thống đốc, thị trưởng

Bộ Hướng dẫn nhằm nới lỏng các hạn chế ở các địa bàn có ca nhiễm thấp, trong khi vẫn giữ nguyên các hạn chế ở các khu vực có ca nhiễm cao nhất. Tài liệu khẳng định nỗ lực trở lại nhịp sống bình thường là một tiến trình dài lâu, và các quan chức liên bang cảnh báo có thể vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội cho đến cuối năm 2020, nhằm đề phòng đợt dịch khác, trong khi có lẽ phải 18 tháng nữa Mỹ mới có vaccin phòng dịch.

Bộ Hướng dẫn 18 trang yêu cầu trước khi tái mở cửa, mỗi bang nên xây dựng chương trình xét nghiệm mạnh mẽ; lập cơ sở sàng lọc người có triệu chứng nghi nhiễm; chuẩn bị tốt công tác truy vết người từng tiếp xúc với ca nhiễm COVID-19; đảm bảo khả năng cung cấp trang thiết bị bảo hộ và xử lý được tình huống ca nhiễm tăng mạnh.

Tài liệu này xác nhận việc cần thực hiện theo từng giai đoạn nhằm khôi phục sự bình thường ở những vùng đã tích cực xét nghiệm và đang ghi nhận sự giảm ca nhiễm.

Ở giai đoạn 1, toàn thể công dân Mỹ phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội: trường học vẫn đóng cửa; tránh tụ tập trên 10 người trở lên; không đi lại nếu không cần thiết; tiếp tục làm việc tại nhà; các địa điểm công cộng như rạp chiếu phim, nhà hàng, sân vận động, cơ sở tôn giáo (trừ quán bar) được mở lại nhưng phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Giai đoạn 2: công dân Mỹ được khuyến khích tiếp tục giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập trên 50 người trừ phi đã có các biện pháp đề phòng; có thể dỡ bỏ sự hạn chế đi lại không cần thiết; trường học cùng một số quán bar đáp ứng điều kiện nhất định được mở cửa.

Giai đoạn 3 cho phép hầu hết công dân Mỹ trở lại cuộc sống bình thường; không còn hạn chế về địa điểm làm việc; người dễ bị tổn hại sức khỏe có thể tái tương tác cộng đồng; tập trung xác định và cô lập bất kỳ ca nhiễm mới nào.

Áp phích cổ động dân Mỹ làm "anh hùng giãn cách - kháng cự - sống chung" với dịch - Ảnh: AP

Vì nước Mỹ rộng lớn ngang ngửa châu Âu nên mỗi địa phương có những nhu cầu khác nhau. Bộ Hướng dẫn khuyến nghị các chốt kiểm soát giáp bang chú ý nguy cơ xảy ra các ca nhiễm mới, chú ý kho dữ liệu xét nghiệm - truy vết trong 14 ngày trước khi chuyển giai đoạn.

Các doanh nghiệp có ý định tái hoạt động thì được gợi ý đo thân nhiệt, xét nghiệm nhanh cho nhân viên và khử khuẩn nơi làm việc. Những người bị bệnh đường hô hấp thì được khuyên tiếp tục ở yên trong nhà cho đến giai đoạn 3, nhưng lúc đó họ cũng nên cẩn trọng, tránh tiếp xúc với người khác.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói mỗi thống đốc và thị trưởng các thành phố tự đánh giá các mặt lợi - hại, tự có quyền quyết định thời điểm tái mở cửa nền kinh tế và tự lập kế hoạch phù hợp tình hình của bang.

Trong khi đó, các thống đốc của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ hoan nghênh chính sách của ông chủ Nhà Trắng là có ý nghĩa, nhưng họ sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch riêng để khôi phục hoạt động bình thường một cách an toàn.

Ông Trump nói: “Chúng ta đang bắt đầu làm lại cuộc đời của chúng ta. Chúng ta lại một lần nữa khôi phục nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta không tái mở cửa cùng một lúc, mà là từng lúc mở từng bước” và nhấn mạnh tình trạng phong tỏa kéo dài cộng với suy thoái kinh tế sẽ gây tổn thất lớn.

Ông Trump cũng tự hào đây là một quyết định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông cũng gặp một số nghị sĩ được ông chọn vào tổ tư vấn phục hồi nền kinh tế Mỹ đã bị tổn thất nặng, dữ liệu liên bang cho thấy đã có ít nhất 22 triệu người Mỹ bị mất việc trong tháng 3 qua.

Người nghèo Mỹ đang cần được xét nghiệm để an tâm - Ảnh: AP

“Lộ trình dựa trên khoa học” của Tổng thống Mỹ bị “soi”

Nhưng theo Guardian, Bộ Hướng dẫn mà ông Trump gọi là “một “lộ trình dựa trên cơ sở khoa học” lại có nhiều điểm khó hiểu, ví dụ Bộ Hướng dẫn không đặt ra thời hạn chót để thực hiện. Hoặc ông Trump nói “29 bang sẽ có thể mở sớm hơn các bang khác, và vài bang có thể mở cửa lại ngay ngày mai” nhưng không cho biết đó là các bang nào.

Tài liệu nhấn mạnh việc cần xét nghiệm, nhưng cũng không nói rõ bao nhiêu cuộc xét nghiệm thì sẽ đủ. Và nó cũng không nêu ra một chiến lược xét nghiệm toàn quốc. Trong khi đó, việc xét nghiệm và truy vết sự tiếp xúc của người đã nhiễm COVID-19 là “chìa khóa” để chống dịch tương đối thành công ở vài quốc gia như Đức, Hàn Quốc.

Theo tờ báo Anh, ông Trump chí ít đã tỏ ra biết chiều theo các đề nghị của các chuyên gia là gia hạn biện pháp giãn cách xã hội, khi Bộ hướng dẫn nêu trước khi tái mở cửa, “các bang nên kiểm tra số ca nhiễm giảm trong thời gian 14 ngày cách ly, lập hệ thống xét nghiệm lớn dành cho các nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm, và các bệnh viện phải có thể chữa trị tất cả các bệnh nhân mà không lo ngại lâm khủng hoảng”.

Nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ trong một tuyên bố đã chỉ trích Bộ Hướng dẫn thiếu sự rõ ràng về chiến lược xét nghiệm toàn quốc: “Xét nghiệm là chìa khóa để mở cửa đất nước tái lập cuộc sống của chúng ta. Tài liệu không rõ ràng và mơ hồ của Nhà Trắng không bù đắp được việc tổng thống không lắng nghe các nhà khoa học, và không sản xuất - phân phối các bộ kit xét nghiệm nhanh”.

Nhiệm vụ quá sức: xét nghiệm hàng triệu người Mỹ/ngày

Theo CNBC, khi Mỹ “rên rỉ” vì tổn thất kinh tế nghiêm trọng do dịch COVID-19, đã có những đề nghị ông Trump tái mở cửa hoạt động kinh tế và trường học cùng các nơi công cộng, để Mỹ có thể bắt đầu hồi phục về mặt tài chính.

Nhưng các chuyên gia y tế và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp cảnh báo nước Mỹ chớ nên tái mở cửa ồ ạt, trừ khi tăng mạnh số ca xét nghiệm nhằm có thể phát hiện dịch COVID-19.

Tỉ phú Jeff Bezos là chủ tập đoàn bán lẻ điện tử Amazon đã nói việc xét nghiệm thường xuyên cấp toàn cầu và ở tất cả các lĩnh vực sẽ giúp bảo đảm an toàn cho mọi người và giúp vực nền kinh tế “đứng lên và chạy tiếp”.

Các chuyên gia y tế cũng nói nước Mỹ cần có một chương trình lớn và thường xuyên để truy vết người đã tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19, nhằm tránh chính những cuộc tiếp xúc đó phát tán dịch qua những người khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát - Phòng dịch Mỹ (CDC), ở Mỹ mỗi ngày chỉ thực hiện xét nghiệm được khoảng 120.000 mẫu phẩm nhằm phát hiện COVID-19. Nhưng các chuyên gia nói cần tính đến việc mỗi ngày sẽ có hàng triệu người cần xét nghiệm, thậm chí là từ 20 triệu đến 30 triệu người/ngày, trước khi nước Mỹ có thể quay lại một nền kinh tế bình thường. Con số lớn lao này vẫn vượt quá số bộ kit xét nghiệm mà các nhà sản xuất lớn có thể tạo ra được vào tháng 6 tới.

Thống đốc Andrew Cuomo của bang New York còn nói sẽ cần “một đạo quân” những người truy vết, để xác định người đã tiếp xúc với người nhiễm. Ông kêu gọi chính phủ Mỹ hỗ trợ tài chính cho nỗ lực này.

Cựu giám đốc CDC Thomas Frieden nói cần có “đạo quân” 300.000 người để thực hiện nhiệm vụ truy vết trên toàn nước Mỹ.

Tiến sĩ Tom Moore, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở bang Texas và là cựu thành viên Hội các bác sĩ chuyên khoa nhiễm trùng Mỹ, nói với CNBC: “Nhằm tránh đợt dịch thứ hai, bạn phải làm theo Hàn Quốc và Đức là xét nghiệm tại chỗ. Chúng ta không cần phải xét nghiệm tất cả mọi người, nhưng chắc chắn chúng ta cần xét nghiệm một số lớn người dân. Đấy là một nhiệm vụ quá lớn. Tôi không rõ liệu có thể thực hiện trong tương lai gần hay không, nhưng đó là việc cần làm”.

Ông Moore và các chuyên gia khác nói đợt dịch COVID-19 thứ hai có thể làm chết nhiều người hơn cả đợt thứ nhất, dẫn đến việc tiếp tục phải đóng cửa nhiều doanh nghiệp và sẽ gây hậu quả thiệt hại kinh tế còn lớn hơn so với những tổn thất đã có kể từ khi đại dịch này bùng phát.

Tính đến ngày 17.4, Mỹ đã có hơn 677.000 ca nhiễm và gần 35.000 người chết vì coronavirus.

Quỹ thiện nguyện Rockefeller có kế hoạch cụ thể

Quỹ Rockefeller nói vài ngày nữa sẽ có tài liệu hướng dẫn các việc cần làm để khoảng 330 triệu dân Mỹ quay lại làm việc, đi học, giải trí một cách an toàn.

Quỹ cho biết đã tiếp xúc với chính phủ Mỹ, các thống đốc và thị trưởng cùng các doanh nghiệp lớn, và kế hoạch là sẽ đề nghị chính phủ Mỹ trực tiếp tài trợ, để cần thực hiện khoảng từ 20 triệu đến 30 triệu ca xét nghiệm/ngày, nhằm đưa thật nhiều dân Mỹ quay lại cuộc sống bình thường.

Tổ chức thiện nguyện này là mạnh thường quân lớn cho các nỗ lực liên quan khoa học, y tế cùng các lĩnh vực khác. Quỹ ước tính sẽ cần khoảng từ 200 triệu đến 300 triệu cuộc xét nghiệm/tuần, để nền kinh tế Mỹ có thể hoạt động bình thường như trước khi dịch bùng phát. Công tác xét nghiệm này gồm cả tái xét nghiệm các công dân Mỹ do chưa có vaccine phòng dịch COVID-19.

Theo phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Quỹ Rockefeller, bà Eileen O’Connor dự báo chi phí ban đầu sẽ ít nhất là 100 tỉ USD và về lâu dài sẽ là 500 tỉ USD.

Quỹ cũng kêu gọi thay đổi hoạt động hậu cần để tối ưu hóa khả năng xét nghiệm mà nước Mỹ hiện có, để có thể từ tháng 6 hoặc tháng 7 sẽ thực hiện được từ 2 đến 3 triệu ca xét nghiệm/tuần.

Bên cạnh đó là cần đầu tư vào các loại xét nghiệm nhanh và hiệu quả khác. Bà O’ Connor nói mục tiêu trung hạn là tăng khả năng xét nghiệm với một “khoản đầu tư lớn” có thể dẫn đến việc “ thực hiện 10 triệu ca xét nghiệm/tuần, trước khi chúng ta có thể đưa một số lĩnh vực trở lại hoạt động”.

Vị quan chức còn nói các nhân viên y tế sẽ là đối tượng đầu tiên của mục tiêu 10 triệu ca xét nghiệm/tuần, vì nhiều người đã tiếp xúc với người nhiễm, nhân viên cấp cứu và cảnh sát.

Kế đến là nhóm nhân công sản xuất thực phẩm gồm nông dân, và tiếp theo là các tài xế xe tải chở hàng. Quỹ tin tưởng sẽ đạt mục tiêu này vào mùa thu tới. Sau đó, mục tiêu sẽ là thực hiện hàng chục triệu ca xét nghiệm/ngày để toàn nước Mỹ thực sự quay lại làm việc.

Mỹ Trinh (theo CNBC, AP, Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch COVID-19: Lộ trình mở lại nền kinh tế Mỹ của ông Trump bị chê khó hiểu