Asia Times vừa có bài phân tích với tựa đề "Việt Nam sẵn sàng trở thành người chiến thắng sau đại dịch" phân tích chính sách đối ngoại hào hiệp của Việt Nam trong lúc COVID-19 hoành hành trên thế giới. Chúng tôi xin lược dịch bài viết này.

Asia Times: Việt Nam đã thể hiện hành động trượng nghĩa với thế giới

17/04/2020, 11:02

Asia Times vừa có bài phân tích với tựa đề "Việt Nam sẵn sàng trở thành người chiến thắng sau đại dịch" phân tích chính sách đối ngoại hào hiệp của Việt Nam trong lúc COVID-19 hoành hành trên thế giới. Chúng tôi xin lược dịch bài viết này.

VN tặng 200.000 khẩu trang kháng khuẩn cho Mỹ

Thông qua việc đóng cửa biên giới sớm và hiệu quả, chính sách minh bạch và chiến lược ngoại giao thời COVID, Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên với tư thế người chiến thắng sau đại dịch.

Việt Nam bấy lâu nay luôn nỗ lực khẳng định vai trò đáng tin cậy và có trách nhiệm trên trường quốc tế. Trong dịch bùng phát coronavirus, Việt Nam đã hạn chế tối đa các tác động tiêu cực và các nhà phân tích tin rằng điều đó đã mang đến cho Việt Nam cơ hội trong tầm tay.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc và là một chuyên gia về Việt Nam cho rằng, Hà Nội đã nhanh chóng có chính sách ngoại giao khôn khéo để ghi dấu ấn trong lòng bạn bè thế giới.

Việt Nam gần đây đã đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế và gửi trợ giúp đến các quốc gia có nhu cầu trong phòng chống dịch COVID-19, gồm cả Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh.

Cả năm quốc gia Tây Âu là Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh đều đang vật lộn để đối phó với đại dịch, chính là những nước đã đàm phán các thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong những năm gần đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng này đã viết trên twitter lời cảm ơn “bạn bè của chúng ta tại Việt Nam” sau khi Mỹ nhận được 450.000 bộ đồ bảo hộ do công ty DuPont của Mỹ sản xuất tại các nhà máy Việt Nam.

Việt Nam cũng đã tặng khẩu trang, chất khử trùng tay và các trang thiết bị phòng chống COVID-19 khác cho láng giềng Campuchia và Lào - những quốc gia mà Việt Nam có quan hệ đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang gắng tìm cách thể hiện ảnh hưởng tại đây.

Ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu, bang Hawaii đánh giá: Đại dịch coronavirus là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng cường sức mạnh mềm, vì nó giúp truyền bá hành động trượng nghĩa của người Việt đối với cộng đồng quốc tế,

“Thật vậy, sự ca ngợi của quốc tế dành cho Việt Nam đang tăng vọt vào thời điểm Trung Quốc phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ phương Tây không chỉ vì hoài nghi Bắc Kinh che đậy sự bùng phát virus ban đầu ở tỉnh Hồ Bắc, mà còn vì ngờ vực Trung Quốc đã truyền bá thông tin sai lệch, gồm cả cáo buộc một cách chính thức dù không có căn cứ là Mỹ mang virus vào cấy tại Trung Quốc.

Ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại RAND Corporation, một hội các chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington, nói rằng việc xử lý đại dịch coronavirus của Việt Nam, cũng như chính sách ngoại giao trong bối cảnh khủng hoảng, sẽ chứng minh giá trị đóng góp của Việt Nam với thế giới.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đã có không ít công ty tính đường di chuyển các nhà máy của họ từ Trung Quốc sang nước láng giềng phía nam để tránh thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích hiện tin rằng sẽ có làn sóng di chuyển nhà máy thứ hai, do cơn đại dịch và thái độ bài Trung đang gia tăng ở phương Tây, nhất là sau khi họ nhận thức rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính cho sự bùng phát của đại dịch. Điểm đến của làn sóng thứ hai cũng hướng về phía nam.

Các chính trị gia ở Washington, Tokyo và Tây Âu hiện đang bàn bạc về việc họ cần “thực hiện cách ly” với nền kinh tế Trung Quốc, gồm cả việc hạn chế các mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế vốn nhập khẩu gần như duy nhất từ Trung quốc. Trong trường hợp khi Phương tây nhìn xung quanh để tìm một sự thay thế đáng tin cậy thay vì một đối tác bất an hiện nay như Trung Quốc, thì họ sẽ chọn nước láng giềng phía nam.

Nếu thay đổi thực sự xuất hiện dù trên đường chân trời, thì đây là thời điểm không thể tốt hơn cho Việt Nam. Ngân hàng Thế giới dự báo trong trường hợp tồi tệ nhất do COVID-19 thì tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam sẽ giảm xuống 1,5% trong năm nay, giảm đáng kể từ mức khoảng 7% trong những năm gần đây.

Mặc dù con số đó có thể sẽ đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ, nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ cao hơn nhiều so với hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á, gồm cả Thái Lan, nước dự đoán sẽ tăng trưởng âm 5,3%.

Các nhà đầu tư thấy rõ sự khác biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã nổi lên như là khu vực có hiệu suất tốt nhất trong năm nay. Điều đó rất ấn tượng trong bối cảnh thị trường chứng khoán ở một số nước khác trong khu vực đều bị dự đoán sẽ chịu thiệt hại.

Thật vậy, một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt là nếu sau đại dịch, các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và EU di chuyển hàng loạt nhà máy để chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để hướng về phía nam.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đến vào thời điểm ngoại giao quan trọng của Việt Nam. Năm nay, Việt Nam giữ chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ghế thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuần này, Việt Nam đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á khác để xây dựng một phản ứng đồng bộ với COVID-19 trong khu vực giữa thời điểm một số quốc gia thành viên khối như Indonesia, Singapore và Philippines đối mặt với số lượng lớn ca bùng phát.

Giới ngoại giao tin rằng nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam còn có thể được kéo dài cho đến năm 2021 do khủng hoảng coronavirus. Nếu điều đó xảy ra, Hà Nội sẽ có thêm thời gian để xây dựng sự đồng thuận trong khu vực về hai vấn đề lớn liên quan đến Trung Quốc: một là đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và hai thỏa thuận về quản lý tài nguyên nước trên sông Mê Kông.

Cả hai vấn đề gai góc và leo thang đã khiến một số quốc gia thành viên ASEAN không hài lòng với Trung Quốc. Trung Quốc đã tạo sóng tại Biển Đông trong tháng này sau khi một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam. Philippines đã ủng hộ Việt Nam trong vụ việc.

Trong khi đó, các nhà khí hậu học người Mỹ vừa công bố báo cáo dựa trên hình ảnh vệ tinh lần đầu tiên cho thấy mực nước ở thượng nguồn sông Mê Kông thuộc địa phận Trung Quốc đang dâng cao trong lúc hạ lưu Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan phải chịu hạn hán.

Anh Tú (lược dịch)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
6 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Asia Times: Việt Nam đã thể hiện hành động trượng nghĩa với thế giới