Theo kênh RT ngày 14.7, từ khi trở thành tổng thống Mỹ năm 2016 tới khi bị bắn tại cuộc vận động tranh cử mới đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đối mặt với hàng loạt lời đe dọa.
Quốc tế

Điểm lại những lời đe dọa ông Trump trước vụ ám sát hụt

Theo Tintuc 15/07/2024 12:30

Theo kênh RT ngày 14.7, từ khi trở thành tổng thống Mỹ năm 2016 tới khi bị bắn tại cuộc vận động tranh cử mới đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đối mặt với hàng loạt lời đe dọa.

Những người nổi tiếng Hollywood đã phản ứng phẫn nộ sau chiến thắng gây sốc của ông Trump trước cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào năm 2016.

Biểu tượng nhạc pop thập niên 1980 Madonna nói về việc muốn “cho nổ tung Nhà Trắng”; nam diễn viên kiêm nhà hoạt động Peter Fonda kêu gọi nhốt con trai út của Tổng thống Trump là Barron “vào lồng chung với những kẻ ấu dâm”; diễn viên hài Kathy Griffin đã gây chú ý khi cô chụp ảnh với mô hình đầu của ông Trump.

Phát biểu trước khán giả tại Lễ hội Glastonbury của Anh năm 2018, nam diễn viên Johnny Depp đặt câu hỏi: “Lần gần đây nhất mà một diễn viên ám sát một tổng thống là khi nào?”. Nam diễn viên này nói thêm: “Có lẽ đã đến lúc rồi”.

Vài tháng sau đó, ngôi sao Broadway Carole Cook đã đề cập đến vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln khi cô hỏi một nhiếp ảnh gia: “Khi cần thì John Wilkes Booth ở đâu?”. John Wilkes Booth là thủ phạm ám sát ông Lincoln năm 1865.

Lời đe dọa từ giới chính trị

trump2-15724.jpg
Mật vụ Mỹ bảo vệ ông Donald Trump tại bục diễn thuyết trong cuộc vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania ngày 13.7.2024 - Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu với kênh MSNBC sau khi ông Trump chính thức công bố chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2023, Hạ nghị sĩ bang New York Dan Goldman tuyên bố rằng không thể để ông Trump trở lại nắm quyền lần nữa. Ông Goldman tuyên bố: “Ông ấy không những không phù hợp mà còn phá hoại nền dân chủ của chúng ta và ông ấy phải bị loại bỏ”.

Mặc dù sau đó, ông Goldman đã xin lỗi về những lời nói của mình, nhưng ông không phải là nhà lập pháp đảng Dân chủ duy nhất dùng lời lẽ đe dọa tính mạng của ông Trump.

Hạ nghị sĩ bang Michigan Cynthia Johnson đã bị tước bỏ nhiệm vụ trong Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ vào năm 2020 khi bà cảnh báo ông Trump và người ủng hộ ông phải “đi nhẹ”, nếu không “những người lính” của bà sẽ “bắt họ phải trả giá”.
Tuần trước, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới không phải là một cuộc bầu cử bình thường và phải ngăn chặn ông Trump. Bà nói: “Ông ấy không thể làm tổng thống được”.

Khoảng một tháng trước, trong một bài đăng trên mạng xã hội, đội ngũ của ông Biden đã mô tả ông Trump là mối đe dọa thực sự đối với quốc gia này.

Đầu năm 2024, Hạ nghị sĩ bang Mississippi Bennie Thompson đã đề xuất luật tước quyền được Mật vụ bảo vệ của các cựu tổng thống bị kết án trọng tội. Văn phòng của ông Thompson cho biết dự luật này ra đời để nhắm vào ông Trump, đồng thời giải thích rằng các cáo buộc hình sự chống cựu Tổng thống Trump đã tạo ra một yêu cầu cấp bách mới mà Quốc hội Mỹ phải giải quyết.

Ngay sau vụ ông Trump bị ám sát hụt, một trong những nhân viên của ông Thompson đã viết trên Facebook rằng kẻ bắn súng cần học một số bài học bắn súng để không bắn trượt lần sau. Người này đã xóa bài đăng bị chỉ trích ngay sau đó.

Ngoài những lời đe dọa kể trên, hai tuần trước vụ ám sát hụt ông Trump, phóng viên BBC David Aaronovitch đã viết trên mạng xã hội X rằng nếu ông là Tổng thống Joe Biden, ông sẽ nhanh chóng cho ám sát ông Trump trên cơ sở rằng ông Trump là mối đe dọa đối với an ninh của nước Mỹ. Sau đó, phóng viên Aaronovitch đã xóa bài đăng này, giải thích rằng lời nói của mình rõ ràng là mang tính châm biếm.

Hồi năm 2020, một người tên là Thomas Welnicki, 77 tuổi, đã bị bắt vì gọi điện cho Cảnh sát Điện Capitol đe dọa “hạ” Tổng thống Trump khi đó. Luật sư của ông Trump đã nói với các công tố viên ở New York rằng Welnicki lo lắng trước những mối đe dọa đối với nền dân chủ mà ông Trump gây ra.

Thế giới tiếp tục lên án vụ ám sát hụt

Ngày 14.7, các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục lên án và bày tỏ sốc trước vụ nổ súng khiến ông Trump bị thương tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên án vụ nổ súng là hành động hèn hạ và đe dọa nền dân chủ. Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron gọi vụ ám sát là một thảm kịch đối với nền dân chủ.

Từ Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng thế giới không nên dung túng cho các hành động bạo lực, đồng thời gửi lời chúc ông Trump nhanh chóng bình phục. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lên án vụ tấn công là khoảnh khắc kinh hoàng không chỉ đối với Mỹ, mà còn đối với toàn bộ thế giới dân chủ.

Tại châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự cảm thông đối với ông Trump, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ vụ việc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tố cáo vụ tấn công là hành động bạo lực chính trị khủng khiếp. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ phản đối các cuộc tấn công mang động cơ chính trị. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cũng lên án mọi hình thức bạo lực chính trị.

Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ sốc về vụ việc và gửi lời chúc ông Trump mau chóng bình phục. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cũng lên án vụ nổ súng, đồng thời kêu gọi nối lại các cuộc bầu cử ở Mỹ trong bầu không khí yên bình và lành mạnh.

Tại châu Mỹ, các nhà lãnh đạo của Argentina, Brazil, Chile, Colombia và Boliva đồng loạt lên án vụ bạo lực.

Trước đó, ông Trump đã bị một viên đạn sượt qua tai khi đang tham gia sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania hôm 13.7. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận nghi phạm là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, sống ở Bethel Park, Pennsylvania. Tên này đã bị các nhân viên mật vụ bắn hạ và chết ngay sau đó. Cảnh sát cũng đã tìm thấy một khẩu súng tiểu liên tại hiện trường. Hiện vẫn chưa rõ động cơ của Matthew khi tiến hành vụ nổ súng.

Video về khoảnh khắc xảy ra vụ nổ súng nhằm vào ông Trump:

Nguồn video: Reuters

Hiện sức khỏe của ông Trump đã ổn định. Trên mạng xã hội X, nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Meuser cho biết ông Trump đã rời thành phố Butler và lên đường tới Bedminster, bang New Jersey sau vụ nổ súng.

Ngày 14.7, ông Trump đã kêu gọi toàn thể người dân nước này đoàn kết sau sự kiện ông bị ám sát hụt. Trong phát biểu được đưa ra vài giờ sau vụ việc, ông Trump nhấn mạnh đây là thời điểm nước Mỹ và người dân Mỹ cần thể hiện tinh thần đoàn kết, mạnh mẽ, kiên định và không sợ hãi. Ông khẳng định sẽ tham dự và có bài diễn văn gửi người dân Mỹ tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, dự kiến khai mạc vào ngày 15.7 ở thành phố Milwaukee, Wisconsin.

Ngoài ra, ông Trump và Tổng thống Joe Biden cũng đã có cuộc điện đàm vào tối 13.7 theo giờ Bờ Đông của Mỹ. Theo một quan chức giấu tên, cuộc điện đàm giữa hai ứng cử viên của hai đảng đã diễn ra tốt đẹp, ngắn gọn và trên tinh thần tôn trọng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm lại những lời đe dọa ông Trump trước vụ ám sát hụt