Diễn viên Việt Nam phần lớn có ngoại hình đẹp, tài năng diễn xuất không thiếu nhưng những câu chuyện phim có họ tham gia chưa chạm đến trái tim người xem nên nhân vật của họ cũng nhanh chóng nhạt nhòa.

Diễn viên Việt Nam có ngoại hình đẹp nhưng chẳng gây ấn tượng

Một Thế Giới | 15/06/2015, 06:38

Diễn viên Việt Nam phần lớn có ngoại hình đẹp, tài năng diễn xuất không thiếu nhưng những câu chuyện phim có họ tham gia chưa chạm đến trái tim người xem nên nhân vật của họ cũng nhanh chóng nhạt nhòa.

Hơn 18 năm kể từ khi bộ phim truyền hình dài tập đình đám “Đất Phương Nam” do Hãng phim Truyền hình TP HCM - TFS sản xuất trình chiếu, hơn 10 năm từ khi bộ phim truyền hình xã hội hóa đầu tiên do Công ty Lasta sản xuất chiếu trên giờ vàng HTV, phim truyền hình Việt Nam vẫn bước đi ì ạch. Số lượng phim tăng lên mỗi năm với con số chóng mặt nhưng chất lượng hầu như không mấy khá lên, thậm chí tệ hơn nếu xét số đông.
Quá hiếm phim hay!
Hiện nay, trung bình một năm có hàng ngàn tập phim truyền hình do Việt Nam sản xuất phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TP HCM. Đó là chưa kể các kênh truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, các đài địa phương có lượng người xem cao. Đây là thành quả đáng ghi nhận nhằm tăng tỉ lệ phim Việt trong giờ phát sóng phim trên truyền hình theo định hướng của nhà nước. Tuy nhiên, chất lượng phim truyền hình Việt Nam sản xuất thời gian qua không tăng tỉ lệ thuận với số lượng.
Không có mấy phim truyền hình thực sự được công chúng quan tâm bàn tán, báo chí nhắc đến và đọng lại trong lòng người xem để nhắc nhớ. Có lẽ vì vậy mà mười mấy năm qua, phim truyền hình Việt Nam không tạo ra nhiều diễn viên ngôi sao. Nhiều diễn viên đóng phim truyền hình ở Việt Nam có đến hàng trăm vai diễn lớn nhỏ nhưng ít có vai nào ghi dấu trong trí nhớ người xem.
Diễn viên Việt Nam phần lớn có ngoại hình đẹp, tài năng diễn xuất không thiếu nhưng những câu chuyện phim có họ tham gia chưa chạm đến trái tim người xem nên nhân vật của họ cũng nhanh chóng nhạt nhòa. Nếu làm cuộc khảo sát bỏ túi, ta có ngay kết quả là ít ai nhớ một tên phim truyền hình của Việt Nam để lại ấn tượng cho họ, tên vai diễn của diễn viên lại càng không.
Lang phi phim truyen hinh-hinh-anh-1
Cảnh trong phim “Khi đàn chim trở về” (phần 3)
 của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, phát trên VTV1. 
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, chiếm khoảng 80% thời lượng phát sóng phim Việt trên hầu hết các đài truyền hình lớn là phim do công ty tư nhân sản xuất theo cơ chế đặt hàng của đài truyền hình. Riêng các đài tỉnh không có khả năng sản xuất, phim của tư nhân sản xuất chiếm 100%.
Hãng phim TFS - Đài Truyền hình TP HCM hiện chỉ có năng lực sản xuất gần 20% lượng phim Việt Nam phát sóng trên các kênh của HTV. Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam thuộc Đài Truyền hình Việt Nam - VFC cho biết mỗi năm họ cũng chỉ có thể sản xuất được trên dưới 30% số tập phim phát sóng của phim truyền hình Việt Nam trên các kênh VTV. Phim Việt phát sóng trên các kênh truyền hình ăn khách khác như Let’s Viet, SCTV, VTV9... đều do tư nhân sản xuất.
Số lượng phim được sản xuất khá lớn nhưng chất lượng không cao dẫn đến khả năng cạnh tranh với phim ngoại trong khu vực phát trên các kênh truyền hình ở Việt Nam càng khó khăn. Có ý kiến cho rằng phim truyền hình Việt đang lãng phí tiền của khi sản xuất quá nhiều nhưng khả năng cạnh tranh kém ngay trên chính thị trường của mình.
Chưa phát triển căn cơ
Số lượng phim lên sóng khá lớn nhưng chỉ tập trung cung cấp từ những công ty lớn: Sóng Vàng, M&T Pictures, Lasta, BHD, Sao Thế Giới, Vietcom Film, Sena Film…
Sau nhiều biện pháp chấn chỉnh cách thức làm phim chụp giật, không chuyên nghiệp, các đài truyền hình đã loại dần những đơn vị sản xuất phim mang tính phong trào, thời vụ. Tuy nhiên, chất lượng phim vẫn chưa được cải thiện mấy khi số lượng lớn phim đang sản xuất tập trung vào các công ty tư nhân, nơi yêu cầu lợi nhuận trước mắt đang đặt lên hàng đầu.
Nhiều công ty sản xuất phim truyền hình hiện nay cho rằng chỉ lo chạy theo số lượng phát sóng theo yêu cầu của các nhà đài đã hụt cả hơi rồi, nói gì chuyện phải đầu tư nâng cao chất lượng. Tiền đặt hàng cho mỗi tập phim của các đài vẫn ở mức cũ (dao động trên dưới 200 triệu đồng/phim) nên việc đầu tư để nâng cao chất lượng là điều khó thực hiện. Quan trọng là làm sao cân đối được chất lượng phim có thể bảo đảm đạt mức an toàn chỉ số người xem theo quy định của các đài trong khâu sản xuất.
Cũng có ý kiến cho rằng thiếu đội ngũ làm phim giỏi - từ kịch bản, đạo diễn, quay phim và nhiều khâu quan trọng khác của một ê-kíp làm phim - là nguyên nhân chính khiến phim truyền hình Việt Nam chưa hay, chứ không hẳn vì tiền đầu tư ít. Đội ngũ làm phim truyền hình ở Việt Nam hiện nay phần lớn không được đào tạo căn cơ, chủ yếu làm theo lối học nghề, kinh nghiệm, quen tay, quen việc. Khả năng của họ chỉ đáp ứng yêu cầu chất lượng như mức hiện nay đã là cố gắng lắm rồi, nếu đòi hỏi cao hơn cũng không làm được.
Có người cho rằng với đội ngũ như hiện có, 30 năm sau phim truyền hình Việt Nam vẫn không bằng phim Hàn Quốc bây giờ. Muốn hái quả phải trồng cây. Các công ty có năng lực sản xuất vài trăm tập phim mỗi năm cũng chỉ biết khai thác đội ngũ sẵn có một cách cạn kiệt mà không nghĩ đến chiến lược đào tạo đội ngũ để sử dụng. Không chỉ tổ chức đào tạo chuyên nghiệp trong nước bằng hình thức học viện của hãng như các hãng phim Hàn Quốc đã làm mà còn phải đưa người đi đào tạo ở nước ngoài thì mới mong có đội ngũ làm phim như mong muốn.
Tuy nhiên, với các công ty, đó là điều chưa tính đến, nhất là khi việc sản xuất phim của họ chưa mang tính độc lập, còn theo phương thức liên kết với nhà đài, làm theo đơn đặt hàng của nhà đài, tiền đầu tư tới đâu thì chất lượng phim tới đó. Đầu tư con người với họ lúc này là mạo hiểm.
Cần nâng cao vai trò phim nhà nước
Khó có thể trông chờ các đơn vị tư nhân sản xuất phim truyền hình đóng vai trò chủ đạo trong việc nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt, định hướng thẩm mỹ cho người xem nên rất cần đến vai trò của các hãng phim nhà nước. VFC thời gian qua đã thể hiện vai trò chủ đạo khá tốt khi tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất với các đơn vị trong và ngoài nước, cho ra đời nhiều bộ phim có chất lượng chuyên môn và sức hút đối với khán giả qua sóng VTV3, VTV1, như: “Bão qua làng”, “Chỉ có thể là yêu”, “Bánh đúc có xương”, “Chạm tay vào quá khứ”, “Mưa bóng mây”, “Sóng ngầm”, “Khi đàn chim trở về” (phần 3)…
Song, VFC cũng cho biết đội ngũ làm nghề của đơn vị không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất đủ lượng phim phát sóng nên dù muốn, VFC cũng không thể tăng số lượng tập phim sản xuất như hiện nay lên được.
Trong khi đó, TFS vốn là hãng phim truyền hình mạnh nhất nước, từng có những bộ phim dài tập đình đám từ những năm 1990 như: “Đất Phương Nam”, “Người đẹp Tây Đô”, “Ngọn nến hoàng cung”, “Đồng tiền xương máu”, “Giã từ dĩ vãng”… nhưng những năm gần đây mất dần vai trò của mình.
Theo lý giải của TFS, số lượng phim do hãng này sản xuất đã giảm 50% mà nguyên nhân chính là hết kinh phí đầu tư. Sau khi Đài Truyền hình TP HCM thay đổi giờ chiếu trên HTV9 từ 18 giờ sang 17 giờ 30 phút - trùng giờ chiếu phim nước ngoài của các kênh truyền hình có đông người xem - nên khán giả bị chia ra khiến chỉ số người xem không đạt, không có quảng cáo. Không có doanh thu thì không có khả năng đầu tư mở rộng sản xuất.
Theo Ngô Thu (Người lao động)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diễn viên Việt Nam có ngoại hình đẹp nhưng chẳng gây ấn tượng