Nhóm các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Y Hà Nội đang tiếp nhận và triển khai ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư từ các chuyên gia Nhật Bản.
GS-TS Tạ Thành Văn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội (Chủ nhiệm đề tài hợp tác), cho biết tại Nhật Bản, phương pháp điều trị tiên tiến này đã được triển khai khoảng 10 năm qua tại một số cơ sở y tế. Năm 2013, liệu pháp tế bào trị liệu trong ung thư chính thức được chính phủ Nhật Bản công nhận là một phương pháp điều trị ung thư.
Khi xuất hiện tế bào ung thư thì cơ thể đồng thời cũng sẽ xuất hiện các tế bào nhận diện ung thư tạo ra các đáp ứng miễn dịch đặc biệt sinh ra kháng thể thể dịch và kháng thể tế bào tấn công tế bào ung thư. Nhưng khi mất cân bằng về hệ miễn dịch thì tế bào ung thư sẽ phát triển mạnh lên. Liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp khôi phục sự cân bằng miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân, tái lập lại và tăng cường số lượng, chức năng các tế bào miễn dịch để tăng khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư.
Tách chiết, nuôi cấy tế bào miễn dịch
Theo GS-TS Tạ Thành Văn, với liệu pháp này, bệnh nhân sẽ được lấy khoảng 10 - 30 ml máu ngoại vi để phân lập các tế bào miễn dịch, nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt của các tế bào này trong môi trường đặc biệt. Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư) tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh chống lại các tế bào ung thư. Hiện tại, liệu pháp này được đánh giá là khá hiệu quả, an toàn, không có tác dụng phụ vì bệnh được truyền tế bào miễn dịch được phân lập, tăng sinh và hoạt hóa từ chính bản thân người bệnh.
Tại Trường ĐH Y Hà Nội, các bác sĩ với sự trợ giúp trực tiếp của chuyên gia Nhật Bản đã tách chiết, nuôi cấy và hoạt hóa tế bào miễn dịch của một số bệnh nhân ung thư cho kết quả rất tốt, số lượng tế bào sau nuôi cấy đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng (93 - 99%). Kết quả này là giai đoạn khởi đầu quan trọng cho việc ứng dụng trong điều trị thời gian tới. Đây là lần đầu tiên, liệu pháp này được chuyển giao ứng dụng tại VN.
TS-BS Trần Huy Thịnh, công tác tại bộ môn hóa sinh (Trường ĐH Y Hà Nội), cho biết: phía Nhật Bản chuyển giao 100% công nghệ phân lập, nuôi cấy và biệt hóa tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư cho Trường ĐH Y Hà Nội. Liệu pháp tế bào miễn dịch hiện được áp dụng trong điều trị các bệnh ung thư tạng đặc (là các khối u ác tính: dạ dày, ung thư vú, tiền liệt tuyến, phổi, gan, thận, đại tràng…), không áp dụng điều trị ung thư máu.
Tại Nhật Bản, trong năm qua, hơn 80% các bệnh nhân ung thư áp dụng liệu pháp tế bào miễn dịch là bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3B và 4). Liệu pháp này kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) làm tăng hiệu quả điều trị: kéo dài thời gian sống không bệnh (khối u không phát triển), chất lượng sống được cải thiện bởi bệnh nhân không bị đau, không phải dùng thuốc giảm đau. Với bệnh nhân ung thư hóa trị kết hợp thêm liệu pháp này sẽ giảm các tác dụng phụ do hóa chất. Liệu pháp này thuận lợi vì bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục làm việc trong giai đoạn điều trị. Quy trình điều trị: theo lịch hẹn bệnh nhân được truyền tế bào miễn dịch (khoảng 30 phút), nghỉ khoảng 30 phút sau bệnh nhân có thể tiếp tục các công việc hằng ngày. Thường bệnh nhân được truyền tế bào miễn dịch 2 tuần/lần, một chu kỳ điều trị thường là 6 lần trong 3 tháng liên tục.
Dự định năm nay sẽ ứng dụng trên bệnh nhân tại VN
GS Yoshinobu Matsuo (làm việc tại Trung tâm tế bào trị liệu, Tập đoàn Grandsoul Nara, Nhật Bản) cho biết: “Liệu pháp tế bào miễn dịch đã được triển khai tại bệnh viện của Tập đoàn Gransoul Nara từ năm 2006. Cho đến nay chúng tôi đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư Nhật Bản và các nước trong khu vực bằng liệu pháp này. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ kiểm soát bệnh đạt 54,4% và đây là liệu pháp điều trị có độ an toàn cao, chưa có biến chứng hay tác dụng phụ đáng kể nào được ghi nhận ở bệnh nhân ung thư sau hơn 10 năm triển khai liệu pháp này tại bệnh viện của tập đoàn. Các ca lâm sàng tại Nhật như: bệnh nhân 75 tuổi ung thư gan di căn phổi, sau điều trị kích thước khối u giảm đi đáng kể. Một bệnh nhân nhân nam
64 tuổi, ung thư gan di căn phổi, sau 6 tháng điều trị bằng liệu pháp tế bào miễn dịch, kích thước khối u giảm rõ rệt. Bệnh nhân nữ 30 tuổi bị ung thư thận, sau 2 tháng điều trị kích thước khối u giảm rõ rệt”.
Theo GS-TS Tạ Thành Văn, việc chuyển giao liệu pháp này chính thức đã được thực hiện từ năm 2015. Trường ĐH Y Hà Nội đã cử đoàn các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y sinh học phân tử và tế bào sang Nhật Bản để trực tiếp đào tạo chuyển giao công nghệ. Quá trình triển khai ở VN luôn luôn có chuyên gia Nhật Bản định kỳ tư vấn và giám sát, trao đổi đánh giá kết quả tại chỗ. Đến nay, trường đã có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng: trung tâm “chế biến tế bào”, trang thiết bị chuyên biệt và đặc biệt là nhân lực hoàn toàn đáp ứng cho việc triển khai điều trị cho bệnh nhân. Hội đồng đạo đức y sinh của trường đang thẩm định để trình lên Hội đồng đạo đức y sinh của Bộ Y tế, phê duyệt cho phép thực hiện phương pháp này trên bệnh nhân tại VN. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể thực hiện trong năm nay (2017).
TheoLIÊN CHÂU (Thanh Niên
Theo GS-TS Tạ Thành Văn, trong số gần 10.000 bệnh nhân ung thư (thận, phổi, dạ dày, gan... đa số ở giai đoạn muộn, khối u đã di căn) được điều trị tại bệnh viện của đối tác Nhật Bản, chưa ghi nhận được bất cứ một tai biến hay tác dụng phụ nào. Tùy thuộc giai đoạn bệnh và loại ung thư, phương pháp này giúp kiểm soát bệnh, làm nhỏ hoặc biến mất khối u (khoảng 6%), nâng cao chất lượng sống (54%), tình trạng lâm sàng được cải thiện: bệnh nhân ngủ được, không bị đau đớn, không phải dùng thuốc giảm đau... trong khi vẫn cho phép kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống khác như: phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị liệu.
Theo Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm VN phát hiện mới khoảng 160.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 115.000 người tử vong do căn bệnh này. Các bệnh ung thư nam giới VN mắc nhiều nhất là phổi, dạ dày, gan và đại trực tràng, với tổng số gần 42.000 ca mắc. Các bệnh ung thư mà nữ giới nước ta mắc nhiều nhất là ung thư vú, phổi, đại trực tràng và cổ tử cung, với tổng số hơn 30.000 ca mắc.