Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dừng việc tuyển sinh đào tạo liên thông ngành Dược.
Bộ GD-ĐT cho biết, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học, một trong những điều kiện để được phép đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe (trong đó có ngành Dược) là cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo điều kiện có ít nhất một khóa sinh viên trình độ đại học chính quy đã tốt nghiệp.
Tuy nhiên, từ năm 2017, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức đào tạo liên thông ngành Dược khi chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, đối với thí sinh cao đẳng muốn học lên đại học liên thông chính quy phải có chứng chỉ hành nghề trước khi thi. Nhưng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chấp nhận cho cả những sinh viên cao đẳng chưa có chứng chỉ hành nghề ứng tuyển vào hệ học này.
Cũng theo quy định của Thủ tướng, đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe (trong đó có ngành Dược), không tổ chức đào tạo liên thông theo hình thức vừa học vừa làm, do đó, không được triển khai liên kết đào tạo tại các địa phương. Việc nhà trường tổ chức thí điểm đào tạo liên thông ngành Dược từ năm 2017 và tổ chức đào tạo tại một số địa phương như đã báo cáo là không đúng quy định hiện hành.
Do đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chính thức yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dừng việc tuyển sinh đào tạo liên thông ngành Dược sai quy định, không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu nhà trường báo cáo chi tiết việc tổ chức liên thông đào tạo ngành Dược theo từng năm (từ năm 2015 đến nay).
Chia sẻ với phóng viên về sự việc bị Bộ GD-ĐT "tuýt còi" vì đào tạo "chui", ông Hà Đức Trụ, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng sự việc là đào tạo liên thông ngành Dược là "tai nạn", sai quy định. Nhà trường đang rút kinh nghiệm và làm việc với Bộ GD-ĐT đề đạt nguyện vọng giải quyết cho sinh viên tiếp tục được đi học.
Đối với những sinh viên ở xa (miền Trung, miền Nam), nhà trường đề nghị Bộ can thiệp để được sang học các trường có ngành tương đương tại nơi đó. Đối với những sinh viên chưa có chứng chỉ, nhà trường sẽ xin Bộ cho nợ để học song song (chương trình chuyên môn và chương trình chứng chỉ), để khi ra trường có chứng chỉ hành nghề, lấy được bằng. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang kiểm tra và sẽ trả lời trong 1 -2 tuần tới.
Trước đó, vào tháng 7.2020, Bộ GD-ĐT từng thanh tra trường này và phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ qua các năm 2017, 2018 và 2019. Cụ thể, năm 2017, trường tuyển sinh trình độ thạc sĩ vượt chỉ tiêu được thông báo. Trong đó, khối ngành III (Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật) vượt 79% chỉ tiêu; khối ngành V (Toán và Thống kê, Máy tính và Công nghệ Thông tin, Công nghệ Kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và Chế biến, Kiến trúc và Xây dựng, Nông lâm và Thủy sản, Thú y) vượt 35% chỉ tiêu.
Năm 2018, nhà trường tiếp tục tuyển sinh vượt so với chỉ tiêu tự xác định ở các ngành Tài chính - Ngân hàng (vượt 36%), Quản lý Kinh tế (vượt 96,6%), Quản lý công (vượt 98%). Năm 2019, trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ 9/10 ngành, chuyên ngành vượt năng lực đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó, ngành Quản lý công vượt chỉ tiêu 236%.
Thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện nhà trường tự ý tổ chức đào tạo một số học phần trình độ thạc sĩ của 19 lớp ngoài trụ sở chính khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đối với tuyển sinh trình độ đại học chính quy, năm 2018, trường vượt 30,7% và năm 2019 vượt 46,3% so với chỉ tiêu trường tự xác định. Bên cạnh đó, năm 2017, trường không được thông báo chỉ tiêu văn bằng 2 khối ngành VII nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo 138 sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh thuộc khối ngành này. Đến năm 2018, trường tiếp tục tuyển thêm 342 sinh viên dù không được thông báo chỉ tiêu.
Bài, ảnh: Dạ Thảo