Thủ đô Colombo của Sri Lanka đã yên bình trở lại trong ngày 10.7. Người dân hiện có thể đi vào dinh Tổng thống tham quan.

Dinh Tổng thống Sri Lanka sau bạo loạn

Cẩm Bình | 10/07/2022, 16:49

Thủ đô Colombo của Sri Lanka đã yên bình trở lại trong ngày 10.7. Người dân hiện có thể đi vào dinh Tổng thống tham quan.

Bên ngoài dinh thự có lực lượng an ninh vũ trang canh gác nhưng họ không ngăn người dân đi vào.

Trong số này có người bán khăn Chandrawathi (61 tuổi) cùng con gái và cháu gái. Bà tới ngồi trên một chiếc ghế sofa đắt tiền trong dinh Tổng thống, nói với PV hãng tin Reuters: “Tôi chưa bao giờ được thấy nơi nào như thế này. Họ hưởng thụ sự sang trọng trong khi chúng tôi chịu khổ. Chúng tôi bị lừa dối. Tôi muốn con cháu mình nhìn thấy lối sống xa hoa mà họ đang hưởng”.

Giống như hầu hết người dân Sri Lanka, bà Chandrawathi cùng gia đình phải vật lộn kiếm sống qua ngày, bị vùi dập bởi tình trạng lạm phát kỷ lục, đồng tiền mất giá, cắt điện liên tục và thiếu nhiên liệu kéo dài.

yarttqgokrlwzmxsuaufvphmky.jpg
Người biểu tình tràn vào dinh Tổng thống Sri Lanka ngày 9.7 - Ảnh: Reuters

Gần đó có 4 thanh niên nằm dài trên một chiếc giường. Một số khác tranh nhau dùng máy chạy bộ đặt phía cửa sổ nhìn ra bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận.

Hồ bơi tại dinh thự vào ngày 10.7 đã đục ngầu, không ai xuống bơi, trái ngược với cảnh tượng một ngày trước.

dam_assets_220709151154-30-sri-lanka-economic-crisis.jpg
Hồ bơi tại dinh Tổng thống ngày 9.7 - Ảnh: Getty Images

Nằm trên một chiếc ghế sofa gỗ được chạm khắc công phu, công chức Wasantha Kumara (33 tuổi) cho biết mình đã qua đêm bên trong dinh Tổng thống. Anh mong muốn Tổng thống Gotabaya Rajapaksa giữ đúng lời hứa từ chức vào ngày 13.7.

Ở một góc hành lang, kỹ thuật viên âm thanh Sameera Karunaratne (26 tuổi) cùng hai người bạn ngồi chơi nhạc trên một chiếc đàn piano lớn bóng loáng. Anh chia sẻ: “Được đến đây giống như mơ vậy”.

220709084634-12-sri-lanka-economic-crisis.jpg
Một phòng bên trong dinh Tổng thống chật cứng người biểu tình - Ảnh: Reuters

Sri Lanka đang chìm trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng khiến nước này chỉ có thể nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men một cách hạn chế. Trường học buộc phải đóng cửa, hàng loạt dịch vụ thiết yếu ngừng hoạt động, lạm phát tháng 6 tăng lên mức 54,6%.

Nhiều người đổ lỗi cho Tổng thống Rajapaksa. Từ tháng 3 đến nay hàng loạt cuộc biểu tình ôn hòa nổ ra yêu cầu ông từ chức. Cuộc biểu tình mới nhất mấy ngày qua bùng nổ thành bạo loạn.

Trước sức ép biểu tình, cả Tổng thống Rajapaksa lẫn Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đều chấp nhận từ chức. Tuy nhiên việc mất đi cả hai nhân vật lãnh đạo mà không có quá trình chuyển giao quyền lực rõ ràng đem lại nguy cơ tạo ra khoảng trống quyền lực nguy hiểm, đe dọa làm trầm trọng thêm khủng hoảng.

Bất ổn chính trị có thể ngăn cản nỗ lực đàm phán của Sri Lanka nhằm nhận được khoản cứu trợ 3 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tái cơ cấu một số khoản nợ nước ngoài, huy động vốn từ các nguồn song phương lẫn đa phương nhằm giải quyết tình trạng thiếu ngoại tệ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dinh Tổng thống Sri Lanka sau bạo loạn