Việc nhiệt điện vốn Trung Quốc muốn đổ 1,5 triệu m3 chất thải từ nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu xuống biển Bình Thuận đang gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng biển được cho là “rất nhạy cảm” này. Việc này lẽ ra phải được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học.

Đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận: Điều đáng sợ ở phía trước

08/11/2016, 04:54

Việc nhiệt điện vốn Trung Quốc muốn đổ 1,5 triệu m3 chất thải từ nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu xuống biển Bình Thuận đang gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng biển được cho là “rất nhạy cảm” này. Việc này lẽ ra phải được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học.

Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trong quá trình xây dựng.

Lo tổn thương vùng biển nhạy cảm

“Tại sao chúng ta không cân nhắc các phương án khác như: lựa chọn địa điểm khác xa khu bảo tồn, xa bờ hơn,... mà lại chọn đúng khu vực nhạy cảm này”, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Phòng sinh thái biển (Viện Hải dương học) cảm thấy khó hiểu khi chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 muốn đổ 1,5 triệu m3 chất thải từ nạo vét luồng hàng hải xuống biển Bình Thuận.

Có quá nhiều lý do để vị chuyên gia này không thể yên tâm trước thông tin trên.

TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, vùng biển Bình Thuận là khu vực nằm trong vùng nước trồi mạnh Nam Trung bộ của nước ta (1 trong 5 trung tâm nước trồi lớn của Biển Đông và là vùng nước trồi ven bờ tiêu biểu trong khu vực biển châu Á), có nguồn lợi sinh vật biển phong phú, có nhiều hệ sinh thái biển ven bờ đặc trưng, là ngư trường lớn với nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế. Đặc biệt, đây là vùng có chế độ thủy động lực mạnh, nhất là trong 2 thời kỳ gió mùa điển hình (Đông Bắc và Tây Nam). Dòng chảy dọc bờ vùng Ninh Thuận - Bình Thuận luôn tồn tại quanh năm.
“Như thế, đây là vùng biển rất "nhạy cảm", việc sử dụng vùng biển ven bờ để "nhấn chìm chất thải" cần hết sức thận trọng và nhất là không được bị động”, ông Nguyễn Hữu Huân cảnh báo.

Đổ một lượng lớn chất thải xuống vùng ven bờ giàu nguồn lợi sinh vật đáy, chưa tính đến độc tính của nguồn thải thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khu hệ sinh vật đáy do bị chôn vùi.

Nỗi lo còn lớn hơn khi vị trí dự kiến đổ thải chỉ cách ranh giới khu bảo tồn biển Hòn Cau 500m.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, khi góp ý với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cũng đã bày tỏ lo ngại khối lượng đổ thải lớn lên tới hơn 1,5 triệu m3 có thể tác động đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau - một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam và tác động mạnh nếu để xảy ra sự cố.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chủ dự án cần nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

Không phải cái gì cũng đổ ra biển

TS Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, cho rằng muốn biết chất thải nạo vét đó có được đổ xuống biển hay không thì phải xem xét nhiều yếu tố.

Thứ nhất, phải có số liệu phân tích bùn nạo vét xem thành phần của nó thế nào, trong đó có chất nguy hại không. Vì nếu có chất nguy hại thì chất thải đó phải được quản lý như với chất thải nguy hại, tức không được đổ lung tung.
“Có thể đối chiếu với Quy chuẩn Việt Nam TCVN năm 2009 là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng các chất thải nguy hại, nếu nguyên tố nào vượt ngưỡng thì coi như là chất thải nguy hại”, TS. Nguyễn Khắc Kinh nói.

Thứ hai, ngay cả khi chất thải đó không có thành phần nguy hại thì về nguyên tắc cũng phải xem xét địa điểm đổ thải cụ thể như thế nào, có yếu tố nhạy cảm về môi trường không?

“Đổ chất thải xuống đáy biển nào thì phải xem sinh vật đáy gồm những loại gì, có bị lấp hết các sinh vật đáy và hủy diệt các sinh vật đáy hay không. Nếu có thì không thể được, nhất là sinh vật đáy ấy lại có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học hay cân bằng sinh thái ở vùng biển đó”, ông Kinh lưu ý và khẳng định xem xét đầy đủ các yếu tố kể trên thì mới quyết định việc đổ thải.

“Tại sao chúng ta không cân nhắc các phương án khác như: lựa chọn địa điểm khác xa khu bảo tồn, xa bờ hơn,..., ông Huân băn khoăn.

Ông Huân cũng thấy lạ khi đến lúc này, người ta mới bàn đến việc xử lý nguồn chất thải không nhỏ từ nạo vét luồng hàng hải này.

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên viện trưởng Viện Năng lượng, chia sẻ: "Trong quá trình từ khởi công xây dựng đến lúc vận hành một nhà máy nhiệt điện, có nhiều loại chất thải nhưng trong đó, loại độc hại chủ yếu phát sinh ở quá trình vận hành nhà máy. Cụ thể, khi vận hành nhà máy điện đốt than thì đó là tro bay, xỉ, khí thải và nước thải. Các loại chất thải này cần phải được xử lý đúng quy định, đạt tiêu chuẩn rồi mới thải ra môi trường. Còn các loại bùn, cát hút lên từ quá trình nạo vét luồng lạch hàng hải thì không độc hại như vậy".

Tuy nhiên, ông Hiến cũng nhấn mạnh, về nguyên tắc, việc đổ chất thải này ở đâu phải được xin phép và do chính quyền sở ngành ở tỉnh quyết định.

Cơ quan quản lý về môi trường phải có trách nhiệm chính, phê duyệt và giám sát việc kiểm soát đổ chất thải của các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, về nguyên tắc, ngoài việc báo cáo xin phép Sở Tài nguyên môi trường thì nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng phải gửi thông báo tới Tổng cục Năng lượng, Phó Tổng cục trưởng, ông Phương Hoàng Kim, cho hay.

Ông Phạm Hùng, Vụ trưởng Vụ các dự án điện BOT, Tổng cục Năng lượng, cho biết, dự án nhà máy điện Vĩnh Tân 1 là dự án BOT 95% vốn của Trung Quốc, 5% là vốn của Vinacomin.

Lương Bằng - Phạm Huyền (Vietnamnet)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận: Điều đáng sợ ở phía trước