Khu vườn rộng 60m2 nằm trên sân thượng này là nơi “trú ngụ” của các loại hoa, củ, quả như su su, bí xanh, dưa chuột, bầu, mướp đắng, dưa lê, cà tím, cà chua, xu hào, bắp cải, súp lơ xanh… khiến nhiều người không thể rời mắt.

‘Mát mắt’ với vườn rau trên sân thượng của giảng viên Đại học

04/11/2016, 13:20

Khu vườn rộng 60m2 nằm trên sân thượng này là nơi “trú ngụ” của các loại hoa, củ, quả như su su, bí xanh, dưa chuột, bầu, mướp đắng, dưa lê, cà tím, cà chua, xu hào, bắp cải, súp lơ xanh… khiến nhiều người không thể rời mắt.

Rau, quả sum suê trên sân thượng của giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Giữa đô thị nhộn nhịp, khoảng sân thoáng mát nằm trên sân thượng của ngôi nhà tại Tập thể Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) được chủ nhân của nó – chị Đoàn Thị Thanh Huyền (giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam) thiết kế, tuy giản dị nhưng lại không thể rời mắt nếu được một lần ghé thăm.

Nhà chỉ có 40m2 mặt sàn nhưng nữ giảng viên đã quyết định lật mái nhà và trồng thêm một tầng khung thép nữa để vừa trồng rau vừa trồng củ, quả. Với không gian rộng khoảng 60m2, nơi đây như một nông trại thu nhỏ với đủ các loại rau, củ, quả, cung cấp thêm nguồn lương thực cho bữa ăn an toàn và là nơi thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chị Huyền chia sẻ: “Mình có sở thích trồng cây từ nhỏ. Lớn lên, sau khi có gia đình, vì bận rộn con cái, công việc nên không còn nhiều thời gian cho cây cỏ; vả lại nhà không có vườn nên không thực hiện được sở thích. Nhưng khi con cái đã lớn, công việc ổn định, có thời gian hơn nên mình nghĩ đến việc trồng cây”.

Theo tâm sự của chị Huyền, mới đầu khu vườn cũng chỉ trồng hoa và một số khay rau (loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu) để thỏa mãn sở thích nhưng càng trồng chị lại càng mê, vừa cho gia đình được bữa ăn an toàn mà không phải trăn trở vì e ngại thực phẩm bẩn, vừa phát triển thêm “năng khiếu” làm vườn của mình.

Khu vườn được thiết kế có khung bao quanh, giàn bằng dây thép ở trên và kệ phía dưới sàn để trồng rau quả sạch. Sau 1 năm, những loại rau quả trồng trên sân thượng đã cho thấy thành quả ngoài sức mong chờ, nhiều khi ăn mãi không hết, chị Huyền lại hái mang biếu người thân.

Theo chị Huyền, khi mới bắt tay vào làm, chị thường mua hạt giống trên phố Hoàng Hoa Thám và có xin thêm giống từ quê, từ bạn bè rồi sau này khi đã có kinh nghiệm, chị tự nhân giống một số loại rau, củ như mướp đắng, bí xanh...

Nhớ lại khoảng thời gian đầu mới tập tành trồng rau, chị Huyền tâm sự: “Mùa đông năm ngoái, mình trồng 5 khay rau cúc, rau đang thì con gái mơn mởn thì một buổi sáng, ngủ dậy thấy một vạt rau to bị sâu ăn trụi. Lúc đó, vừa tiếc, vừa tức, đi tìm sâu mà lại không thấy con nào. Bèn hỏi một số người có kinh nghiệm, họ nói, buổi tối soi mới thấy sâu. Làm theo lời chỉ dẫn, 7 giờ tối, mình lên sân thượng nhưng không thấy con nào mà chỉ thấy một vạt lớn nữa bị sâu ăn cụt. Lúc ấy chỉ muốn khóc”.

Để không phải sử dụng thuốc trừ sâu, chị Huyền tìm hiểu thêm trên Google và có hướng dẫn: pha rượu với ớt, tỏi, gừng phun là sâu chết hết. Sẵn có đồ trong nhà, chị Huyền bắt tay vào làm ngay nhưng cả đêm hôm đó, vì lo cho mẻ rau mà khiến cả 2 vợ chồng đều trằn trọc. Không phụ lòng chị, công thức đó hoàn toàn hữu dụng khi sáng hôm sau tỉnh dậy, không còn cây nào bị sâu ăn nữa.

Chia sẻ thêm bí quyết có được vườn rau xanh mát, trĩu quả như hiện nay, chị Huyền cho rằng muốn chăm sóc chúng thì trước hết phải đọc, nghiên cứu từng loại cây mình định trồng, biết được ưu điểm, nhược điểm, lượng đất, ánh sáng, nước, cần bao nhiêu, bón lót làm đất thế nào, bón thúc ra sao, cắt lá tỉa cành thế nào để cây cho nhiều trái, nhiều lá. Tóm lại là phải biết "tính nết" của từng loại cây mới chăm sóc được chúng và mới có hiệu quả khi thu hoạch.

Dù bận rộn với công việc giảng dạy, nghiên cứu tại trường nhưng cứ rảnh rỗi là chị Huyền lại lên sân thượng làm bạn với những giống cây, hoa khoảng 1 tiếng rưỡi vào buổi sáng và 1 tiếng vào buổi tối để tưới rau, xới đất, bắt sâu và chăm sóc từng chậu rau.

Theo kinh nghiệm của chị Huyền, với các loại rau thông thường, nếu không phải ngày nắng nóng thì chỉ cần tưới 1 lần vào buổi sáng sớm. Tuy nhiên, những loại cây leo như bầu, mướp đắng, bí, dưa chuột, dưa lê... lại cần tưới khá nhiều nước. Hầu hết chị đều cố gắng tưới đẫm nước ít nhất 3 lần một ngày vào mùa hè và 2 lần một ngày vào mùa đông.

Tự tay trồng, chăm sóc cho từng loại cây, rồi tự tay thu hoạch, chế biến thành những món ăn hàng ngày là niềm vui của người phụ nữ say mê rau củ này.

“Khi chế biến thành món ăn, mình rất hạnh phúc khi nhìn thấy những thành viên trong gia đình ăn ngon lành. Hơn nữa, bản thân cũng không băn khoăn đặt ra các câu hỏi như trước: liệu rau này có phun thuốc trừ sâu không, quả này có ngâm thuốc bảo quản hay không, có tin được lời mấy người bán hàng nói rau nhà sạch không nhỉ?... Khi loại được các câu hỏi đó ra khỏi đầu trong mỗi bữa ăn là lúc bản thân được thư giãn thưởng thức và ăn sạch đúng nghĩa của nó”.

Trong tương lai, chị Huyền mong muốn sẽ thử nghiệm tất cả những loại cây có thể trồng trên sân thượng.

Bài: Thu Anh - Ảnh: NVCC

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Mát mắt’ với vườn rau trên sân thượng của giảng viên Đại học