Trong khi nhiều doanh nghiệp đang đối diện tình cảnh khát vốn thì việc tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ như gói hỗ trợ lãi suất 2% lại không hề đơn giản.

Doanh nghiệp 'khát vốn' khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

Tuyết Nhung | 29/11/2022, 16:15

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang đối diện tình cảnh khát vốn thì việc tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ như gói hỗ trợ lãi suất 2% lại không hề đơn giản.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Lạm phát tại các thị trường tiêu thụ chính tăng cao, nhu cầu tiêu dùng thay đổi khiến đơn hàng thủy sản giảm, tỷ lệ tồn kho tăng, vòng quay vốn chậm. Trong khi đó, không chỉ các gói ưu đãi lãi suất khó tiếp cận, các ngân hàng thương mại lại cắt giảm hạn mức tín dụng khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

che-bien-tom_1627960735.jpg

Từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều chi nhánh của những ngân hàng thương mại tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành.

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang đối diện tình cảnh khát vốn thì việc tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ như gói hỗ trợ lãi suất 2% lại không hề đơn giản. Theo Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, để nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo mới được tiếp cận.

Vì vậy, các giải pháp về vốn sản xuất và nâng mức tín dụng rất cần thiết với doanh nghiệp lúc này để có thể hoàn thành kế hoạch năm 2022 và duy trì đẩy mạnh phát triển sản xuất trong năm sau.

Trong lúc doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó với nguồn vốn để đầu tư, sản xuất thì thông tin Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tích cực cho vay để sản xuất đã mang đến một "tia sáng" mới trong bức tranh sản xuất của các doanh nghiệp.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cân đối nguồn vốn, tích cực giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước cho biết tình hình thực hiện chi tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng cho thấy đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Do đó, vẫn còn dư địa để cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thông tin trên có thể là tia hy vọng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong đó có cộng đồng doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về thị trường tiêu thụ lẫn nguồn vốn để quay vòng sản xuất.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính tới tháng 10.2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,4 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đang trên đường cán kỷ lục 10 tỉ USD nhưng xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước. Từ quý 4, đà tăng trưởng mạnh của xuất khẩu thủy sản đã bị ngắt ngang. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều chững.

Tháng 10.2022, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm 2021, giảm 16% đạt 360 triệu USD. Đây là tháng thứ 3 kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong tháng 6 và 7, xuất khẩu tôm giảm lần lượt 1% và 13%.

Đối với xuất khẩu cá tra, dù kết quả lũy kế 10 tháng đầu năm khá là tích cực, nhưng từ cuối quý 3, sang quý 4, tín hiệu sa sút của các thị trường đã phản ánh rõ trong doanh số xuất khẩu cá tra. Theo đó, tháng 10, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 179 triệu USD, mức thấp nhất kể từ Tết Nguyên đán và cũng tăng trưởng ít nhất kể từ đầu năm. Vẫn còn nhiều thị trường tăng nhập khẩu cá tra nhưng cũng có nhiều thị trường bị sụt giảm về giá trị như: Mỹ giảm 11%, Canada giảm 3%, Colombia giảm 26%...

Đối với xuất khẩu cá ngừ, sau nhiều tháng tăng trưởng tốt, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chững lại trong tháng 10.2022. Giá trị xuất khẩu trong tháng này chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 76 triệu USD, mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm tới nay.

Chậm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Gói hỗ trợ lãi suất 2% được quy định trong Nghị định 31 về việc hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay bằng tiền đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11.2022 của Chính phủ. Theo đó, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm có hạn mức tối đa 40.000 tỉ đồng.

Tính đến cuối quý 3/2022, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt trên 17.000 tỉ đồng đối với 900 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi là trên 32 tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng nêu ra những nguyên nhân khiến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm. Về phía khách hàng, có doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ. Nhiều khách hàng lo ngại trong trường hợp bị xác định phải thu hồi gói hỗ trợ (do sau đó xác định cho vay không đúng đối tượng) thì rất khó xử lý vì đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức.

Ngoài ra, cũng có khách hàng đủ năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất do nhiều hộ sản xuất - kinh doanh nhưng không đăng ký.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, quy định tại Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội và Nghị định 31/2022 của Chính phủ liên quan việc khách hàng "có khả năng phục hồi" khiến các đối tượng muốn vay rất khó đáp ứng yêu cầu.

Đối với các ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng có tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện chính sách này do một số chương trình hỗ trợ lãi suất khác vẫn chưa được quyết toán. "Các ngân hàng thương mại còn lo ngại trường hợp phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất đã đưa đến khách hàng nhưng khách hàng đã tất toán khoản vay, không còn quan hệ với ngân hàng thì rất khó thu hồi", đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích.

Về giải pháp, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét không đặt ra quy định về khách hàng "có khả năng phục hồi"; đồng thời cho phép điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ khác, như các chương trình cho vay hỗ trợ khôi phục kinh tế thông qua ngân hàng chính sách xã hội đang giải ngân rất tốt.

Bài liên quan
Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn. Đây là chính sách trong chương trình phục hồi kinh tế với 40.000 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp 'khát vốn' khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%