Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI cho rằng cuộc chiến chống COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức; nhiều doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã.

Doanh nghiệp kiệt sức, lực lượng lao động tan rã do COVID-19

Lam Thanh | 27/10/2021, 17:45

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI cho rằng cuộc chiến chống COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức; nhiều doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã.

Doanh nghiệp kiệt sức

Chiều 27.10, tại diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh" do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021 đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhiều hơn 24% so với cả năm 2020.

Theo ông Vinh, bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

“Ở nước ta, cuộc chiến chống COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ. Tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã. Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Vinh nêu.

nqv.jpg
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Quốc Tuấn/Enternew

Trước tình trạng này, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành ban hành để giúp cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn như Nghị định 52, Nghị định 75, Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP.

Mới đây nhất, ngày 19.10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó quy định cụ thể về 4 giải pháp miễn, giảm thuế của năm 2021 với 3 lần đầu tiên được áp dụng.

Đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế phải nộp phát sinh trong các quý 3 và 4/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong một số ngành nghề và miễn tiền chậm nộp.

Ông Vinh đánh giá đây là những chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể sớm vượt qua khủng hoảng của COVID-19. Tuy nhiên, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh.

"Trên phương diện kinh tế, việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội”, ông Vinh nói.

Phải đồng bộ chính sách hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết cái khó của ngân sách nhà nước là làm sao có tiền để chi, vì bình thường cũng đã phải lo cho đầu tư phát triển, trả nợ nước ngoài, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển cho sự nghiệp trong tương lai.

“Thuế được tạo ra từ sản xuất kinh doanh; sản xuất kinh doanh không phát triển, không hiệu quả thì không thể có nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong thời gian vừa qua, với động thái “khoan thư sức dân”, ngành thuế đã nỗ lực làm mọi biện pháp giúp gánh nặng của doanh nghiệp nhẹ dần”, ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021. Ông Phụng cho rằng do nguồn lực của đất nước có hạn, nên việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có mức doanh thu/năm dưới 200 tỉ đồng, đồng thời doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019.

“Có rất nhiều kiến nghị xoay quanh chính sách này, tuy nhiên phải lý giải rằng các doanh nghiệp đang hoạt động có rất nhiều loại hình, nếu hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp thì nguồn thu ngân sách sẽ không bảo đảm. Do đó, trong lúc khó khăn, những doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ nhiều hơn”, ông Phụng nói.

Ông Phụng cho rằng doanh nghiệp lớn có khó khăn lớn, doanh nghiệp nhỏ có khó khăn nhỏ. Tuy nhiên, đứng về lĩnh vực tài chính ngân sách, thì nguồn lực quốc gia chưa đủ, chưa có điều kiện để chia sẻ với doanh nghiệp lớn bằng tiền mặt, vì vậy sẽ chia sẻ bằng cơ chế chính sách, bằng những động thái để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát triển, phục hồi nhanh.

Ngoài ra, ông Phụng cũng nêu, trong năm 2020 đã có trên 30 loại phí và lệ phí liên quan đến hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được giảm từ 30-70% và điều này đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp.

Sáng 27.10, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 92/NĐ-CP, để triển khai thực hiện Nghị quyết 106 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là một tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Phụng, cần có những giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà doanh nghiệp có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan tỏa. Đồng thời, phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện.

Ngoài ra, ông Phụng cho rằng cần tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia và chia sẻ cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh. “Đáng chú ý, theo quy định của thuế thu nhập cá nhân, người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công và có thu nhập khác thì phải xác định thu nhập chịu thuế. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, khoản chi phí liên quan đến người lao động để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho sản xuất thì không được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, vì xét về bản chất, người lao động không được nhận thu nhập này”, ông Phụng nói.

Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp kiệt sức, lực lượng lao động tan rã do COVID-19