Công tác kiểm soát lạm phát năm 2021 đảm bảo trong tầm kiểm soát của Chính phủ và ở mức thấp. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2022 rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng.
Ngày 26.10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý 3/2021, kịch bản điều hành giá quý 4/2021 và đầu năm 2022.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng trong thời gian tới, các nước sau khi khống chế được dịch bệnh sẽ mở rộng sản xuất, nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, nhu cầu các mặt hàng chiến lược tăng cao, xu hướng lạm phát gia tăng… Do đó công tác điều hành giá quý 4/2021 là hết sức quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết mặt bằng giá cả thị trường trong 10 tháng năm 2021 về cơ bản nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra ngay từ đầu năm.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,06%, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%. CPI tháng 10.2021 ước giảm 0,1-0,15%, bình quân 10 tháng ước tăng 1,81-1,83% so với cùng kỳ năm trước...
Một số nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá như: Một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do ảnh hưởng từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển logistic tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng; giá xăng dầu, LPG trong nước do tác động từ giá thế giới tăng mạnh khi nhu cầu chung thế giới tăng…
Báo cáo do đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận công tác kiểm soát lạm phát năm 2021 đảm bảo trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá và ở mức thấp. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng. Ngoài ra, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu và hỗ trợ mục tiêu kép của Chính phủ.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu từ nay đến cuối năm dự kiến CPI bình quân tăng khoảng 2%. “Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội và Chính phủ giao trong năm 2021 chúng ta không bị áp lực nặng nề, khả năng hoàn thành mục tiêu rất cao”, ông Lê Minh Khái cho biết.
Theo Phó thủ tướng, sang năm 2022, nhiều nước đã bắt đầu mở cửa, khôi phục lại sản xuất, nhu cầu nguyên vật liệu, năng lượng… tăng rất cao. Ở trong nước, tuy chúng ta đã kiểm soát tốt, nhưng diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ra khó khăn đối với hoạt động sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa và áp lực đối với công tác điều hành giá.
Do đó, từ nay đến cuối năm, Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành tập trung cao độ, nắm bắt tình hình, theo sát diễn biến, điều hành theo đúng quy định của pháp luật, chủ động có các giải pháp phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.
“Đây là những việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm hằng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần hết sức lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý”, Phó thủ tướng lưu ý, đồng thời yêu cầu phải giữ ổn định giá các hàng hóa nhà nước định giá, sát với tình hình; bảo đảm kiểm soát được lạm phát chung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình tập trung quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, điện, thực phẩm, phân bón và thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh và sinh phẩm, vật tư y tế…