Phát biểu tại sự kiện Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới diễn ra tại Hà Nội (22.4), ông Ngô Văn Quý – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, nhiều bệnh dịch mới phát triển và tài nguyên ngày một cạn kiệt. Do đó, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là cách duy nhất góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đổi mới sáng tạo sẽ phá vỡ các giới hạn
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2016, Việt Nam đứng thứ 59/128 quốc gia và nền kinh tế trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và chỉ khoảng 20 - 30% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thống kê này cho thấy, Việt Nam đạt thứ hạng cao ở chỉ số “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài” cũng như “Lan truyền tri thức”… nhưng vẫn còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “việc làm thâm dụng tri thức”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”…
Việc phát triển kinh tế tri thức cần được xác định là hướng đi quan trọng để Việt Nam theo kịp sự phát triển của thế giới, và một trong số những hướng đi đó chính là tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo của các tổ chức và cá nhân.
Ông Ngô Văn Quý – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội phát biểu tại sự kiện
Trong sự kiện cộng đồng kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4) với chủ đề tại Việt Nam là "Chắp cánh sáng tạo" diễn ra sáng 22.4 tạiHà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho rằng với chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay “Đổi mới sáng tạo - cải thiện cuộc sống” là một thông điệp hết sức quan trọng mà Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) gửi đến mọi người.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, ĐMST được thể hiện dưới vô số hình thức khác nhau, từ những thứ rất thông thường đến những thứ dường như rất phi thường như: biển quảng cáo thu nước từ không khí để cung cấp nước sạch ở Peru, các giải pháp về năng lượng tái tạo để cung cấp điện chạy tủ lạnh ở Ấn Độ… ĐMST là năng lực không giới hạn của con người, phá vỡ các giới hạn về khả năng của con người, tạo ra những năng lực mới chưa từng có.
Nói vềđiều này, ông Ngô Văn Quý – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, nhiều bệnh dịch mới phát triển và tài nguyên ngày một cạn kiệt. Do đó, ĐMST là cách duy nhất góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các vị quan khách và đông đảo cộng đồng hào hứng khi nhảy flashmob
Sự kiện cũng thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia
Hoạt động SHTT tại Việt Nam vẫn sôi động
Đại diệnCục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết tuy vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, nhưng các chính sách ban hành trong năm 2016 và đầu năm 2017 của Chính phủ đã phát huy tác dụng đưa kinh tế Việt Nam đi dần vào ổn định và phát triển. Chính vì vậy, các hoạt động SHTT của Việt Nam về cơ bản vẫn sôi động với sự gia tăng về đơn đăng ký Sở hữu công nghiệp (SHCN), xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2017.
Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2016 có 58.217 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ, tăng 14,2% so với năm 2015. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chấp nhận bảo hộ cho 29.880 đối tượng SHCN, bao gồm: 1.893 sáng chế; 177 giải pháp hữu ích; 1.966 kiểu dáng công nghiệp; 25.720 nhãn hiệu (trong đó có 4.822 nhãn hiệu quốc tế đăng ký theo Hệ thống Madrid); 7 chỉ dẫn địa lý; 9 thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và thẩm định hình thức 108 đơn đăng ký quốc tế nguồn gốc Việt Nam (7 đơn sáng chế, 101 đơn nhãn hiệu).
Phía Cục Sở hữu trí tuệ cũng nhận định số lượng đơn SHCN nhận và xử lý tăng, nhưng số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Namvẫn còn ít,(chiếm khoảng 10%) và chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên sự phát triển KHCN, công nghệ ứng dụng mà trong đó vai trò của các bằng độc quyền sáng chế là hết sức quan trọng.
Bài, ảnh:Thu Anh