Vừa qua, báo điện tử Một Thế Giới nhận được đơn kêu cứu của anh Trần Bá Đại (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) tố cáo Viện trưởng Viện KSND huyện Cẩm Mỹ cố tình ra quyết định trái pháp luật nhằm né tránh trách nhiệm, né tránh bồi thường oan sai trong vụ án số 34/2014/HS-ST.
Khởi tố, bắt tạm giam, đình chỉ vụ án
Theo nội dung anh Đại trình bày trong đơn thư thì sự việc diễn ra như sau:
Năm 2005, anh Trần Bá Đại là cán bộ địa chính tại UBND xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Năm 2008, ông Hoàng Kim Sơn, hàng xóm lâu năm của anh Đại mang một bộ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến UBND xã Xuân Bảo để nhờ anh chứng thực.
Vì tin tưởng người hàng xóm lâu năm này và thấy hồ sơ đầy thủ các giấy tờ cần thiết như sổ đỏ, bản vẽ, chứng minh nhân dân, hộ khẩu và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có sẵn chữ ký của bên bán là vợ chồng ông Tô Văn Nho và bên mua là ông Trần Đình Hòa,… nên anh Đại ký nháy và trình cho ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo ký chứng thực rồi giao trả hồ sơ cho ông Sơn.
Ngày 25.10.2013, khi anh Đại đang là công chức địa chính tại xã Xuân Tây (H. Cẩm Mỹ) thì Công an huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai bất ngờ khởi tố và bắt tạm giam 2tháng rưỡi đối với anh để điều tra tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".
Nhận lệnh khởi tố nhưng anh hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra và vì sao mình lại bị như vậy. Đến khi nhận được kết luận điều tra của công an anh mới biết mình bị bắt giam vì liên quan đến hồ sơ chuyển nhượng đất mà ông Sơn hàng xóm mang lên UBND xã Xuân Bảo để nhờ anh chứng thực trước đó 5 năm. “Lúc thực hiện chứng thực, tôi chỉ nghĩ là giải quyết thủ tục hành chính để giúp người dân thuận tiện trong công việc mà không hề hay biết hồ sơ có sự giả dối”, anh Đại trình bày.
Anh Trần Bá Đại (phải), ông Võ Văn Bảy (trái) – Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo khi đó, người cũng liên quan đến vụ việc -Ảnh: Anh Đại cung cấp
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22.7.2014, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cẩm Mỹ tuyên anh Đại phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xử phạt 1 năm cải tạo không giam giữ, trừ đi thời gian đã chấp hành án phạt tính từ ngày 25.10.2013 là 7 tháng 24 ngày.
Sau khi tòa sơ thẩm tuyên phạt, anh Đại đã bị Huyện ủy Cẩm Mỹ khai trừ khỏi Đảng, bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân;UBND huyện ra quyết định kỷ luật công chức, bị Cơ quan thi hành án dân sự huyện khấu trừ 5% tiền thu nhập hằng tháng để bổ sung quỹ nhà nước.
Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm ngày 21.1.2015, TAND tỉnh Đồng Nai đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 34/2014/HSST (22.7.2014) của TAND huyện Cẩm Mỹ và giao hồ sơ vụ án về cho Viện KSND huyện Cẩm Mỹ giải quyết theo thủ tục chung.
Hơn một năm sau phiên tòa phúc thẩm, ngày 7.7.2016, anh Trần Bá Đại lại thêm 1 lần bất ngờ vì được nhận quyết định đình chỉ vụ án số 279/QĐ-VKS của Viện KSND huyện Cẩm Mỹ và căn cứ khoản 1 điều 25 của Bộ luật Hình sự miễn trách nhiệm hình sự đối với anh.
Do bị oan mà cuộc sống, công việc, sự nghiệp,... bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên anh Đại đã gửi đơn khiếu nại, đơn kêu oan đến Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng Viện KSND tối cao; Viện trưởng Viện KSND cấp cao TP.HCM, Chánh án TAND cấp cao TP.HCM; Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai; Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai…để mong tìm lại sự công bằng cho bản thân.
Tuy nhiên, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai đã trả lời “đơn kêu oan của anh Đại không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án”; còn Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai lại cho rằng “Viện KSND huyện Cẩm Mỹ giải quyết như vậy là đúng nên đơn kêu oan của anh Đại không có cơ sở”. Các cơ quan còn lại không thấy trả lời.
Né tránh trách nhiệm, không chịubồi thường oan sai
Trao đổi với luật sư Phạm Công Út, Giám đốc Công ty Luật TNHH một thành viênPhạm Nghiêm về vụ việc của anh Trần Bá Đại, chúng tôiđược luật sư cho biết:
“Trong quyết định đình chỉ vụ án của Viện KSND huyện Cẩm Mỹ đã xác định hành vi không cấu thành tội, không thực hiện hành vi phạm tội thì rơi vào trường hợp khoản 2 điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Như vậy, khi đình chỉ vụ án thì phải theo khoản 2 điều 107 của BLTTHS và phải bồi thường, kèm theo xin lỗi, không được áp dụng khoản 1 điều 25 Bộ luật Hình sựđể đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp của anh Trần Bá Đại có thể nói cơ quan chịu trách nhiệm xin lỗi và bồi thường là TAND huyện Cẩm Mỹ bởi vì tòa án này đã kết tội đối với những người liên quan, nhưng sau đó những người này được đình chỉ.
Khi người bị hàm oan khiếu nại vì quyền lợi, lợiích hợp pháp bị xâm hại thì cơ quan tố tụng không sửa sai mà còn cố tình bảo thủ quyết định của họ, cơ quan quản lý trên mộtcấp thì hầu hết đều cho là đã làm đúng. Do vậy, hành vi của cơ quan tố tụng mang tính chất quyết liệt bảo vệ cái sai của mình một cách cố ý chứ không thể nào là vô ý được(?)”- luật sư Út nhấn mạnh.
“Bằng cách áp dụng điều 25 của Bộ luật Hình sựmột cách vô tội vạ để ra quyết định trái pháp luật một cách cố ý thì cần phải xem xét hành vi này là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi nó có thể sẽ tạo thành một tiền lệ và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Trong khi đó, những người ra quyết định lại là người thực thi pháp luật.”– luật sư Út nói thêm.
Do đó, qua sự việc của anh Trần Bá Đại, luật sư Phạm Công Út rất mong muốn các luật sư, cơ quan báo chí cùng đồng hành để bảo vệ cho người bị hàm oan, đòi lại sự công bằng cho chính họ bởi vì ít nhất họ cũng đã bị tạm giam một thời gian khiến cho công ăn việc làm, sự nghiệp, danh dự, uy tín…của họ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, khó mà khôi phục lại được.
Khi nào quyền lợi của người bị hàm oan được khôi phục, bồi thường?
Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh nhiều vụ việc hàm oan cho người vô tội của cơ quan tố tụng dẫn đến những oan sai đáng tiếc. Nhưngsau khi gây ra“hậu quả” thì một số cơ quan tố tụng lại căn cứ vào khoản 1 điều 25 Bộ luật Hình sựđể ra quyết định đình chỉ vụ án. Đến khi cơ quan báo chí phản ánh gay gắt, thì có những trường hợp đãđược thay đổi bằng một quyết định khác và cũng được bồi thường oan sai.
Về việc Viện KSND huyện Cẩm Mỹ ra quyết định đình chỉ vụ án đối với anh Trần Bá Đạiđược hiểu là anh hoàn toàn vô tội. “Quyết định đình chỉ vụ án áp dụng khoản 1 điều 25 Bộ luật Hình sự, tức là do chuyển biến của tình hình xã hội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội. Nhưng trong phần nhận định của quyết định thì không chỉ rõ ra được là chuyển biến như thế nào mà chỉ nhận định mộtchiều, quyết định mộtnẻo. Điều này đã làm xâm hại trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp của người bị hàm oan (anh Trần Bá Đại) trong vụ việc”- luật sư Phạm Công Út nói.
“Hậu quả của việc tôi bị bắt đến nay mỗi khi đi làm việc, tiếp xúc với người dân thì một số người vẫn còn hỏi chú Đại đã hết bị án chưa.Một số người không hiểu sự việc còn nói chẳng hiểu Nhà nước bao che, bênh vực cho ông Đại kiểu gì mà đã đi tù rồi mà còn cho đi làm việc lại…, và còn nhiều thứ khác không kể hết ra được. Những quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của vụ án đã gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến quyền lợi của tôi trong khi tôi vô tội. Những tổn thất về tinh thần, gia đình, danh dự, nhân phẩm,bị kỷ luật trong công việc... không gì có thể bù đắp, khôi phục lại được như lúc tôi chưa bị khởi tố. Kính mong lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, các cấp xem xét vụ việc, minh oan, trả lại sự công bằng cho tôi, đảm bảo quyền công dân và tính nghiêm minh của pháp luật”. - Anh Đại bức xúc.
Mặc dù đã một thời gian dài kêu oan để tìm lại sự công bằng sau tất cả những oan khiên phải gánh chịu, nhưng đến nayanh Đại vẫn chưa nhận được sự giải quyết thỏa đáng của cơ quan chức năng.
Cơ quan, cá nhân nào sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm cho những hậu quả mà anh Trần Bá Đại đã phải chịu trong suốt thời gian bị hàm oan? Nếu có, sẽ bị xử lý như thế nào, và khi nào thì xử lý? Bao giờ anh Trần Bá Đại sẽ nhận được sự công bằng trong pháp luật như anh mong đợi?
Ngọc Thạnh