Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có quyết sách sớm thì có thể sẽ phải đóng cửa, hàng chục nghìn tỉ đồng đã đầu tư sẽ bay vèo...
Đó là thực trang từ lời chia sẻcủa ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương vềdự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc PVN nhằm tìm ra giải pháp xử lý những khó khăn của dự án.
Dự án phải dùng nguồn khác bù vào
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết dự án này được khởi công từ năm 2011 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư với quy mô công suất 2 x 600MW (2 tổ máy), cùng tổng mức đầu tư 41.799 tỉ đồng. Đến nay, tiến độ tổng thể đạt 84,19%, trong đó thiết kế đạt 99,63%; ký các hợp đồng mua sắm đạt khoảng 95%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93.79%; thi công đạt 82.145%, chạy thử đạt 3,515%.
Trong thời gian tới, dự kiến phát điện Tổ máy số 1 vào tháng 6.2020 và Tổ máy số 2 vào tháng 10.2020. Tuy nhiên, để hoàn thành theo tiến độ nêu trên, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hải nói rõ: "Do dòng tiền chậm nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án. Nhân sự tại công trường cũng ngày càng giảm, từ chỗ có 800 người giờ chỉ còn 300 - 400 người. Nhiều cán bộ kỹ thuật bỏ đi. Dự án còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế tổng thầu trong nước, quá trình triển khai xảy ra nhiều bất cập…".
Về phía đại diện tổng thầu EPC, ông Nguyễn Đình Thế - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cho biếtphần xây dựng bằng tiền Việt đã thực hiện 80%, giải ngân 84%. Trong quá trình thực hiện đã phải dùng nguồn khác bù vào, trong đó có cả tiền tổng thầu tự chi ra, thậm chí còn nhiều hơn tiền từ chủ đầu tư giải ngân.
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN nhìn nhận dự án có nhiều khó khăn, trong quá trình làm, tổng thầu là PVC có nhiều sai phạm. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay được nữa. Tuy nhiên, nếu thay tổng thầu của dự án thì còn nguy hiểm hơn.
Hiện nay, ông Thanh cho biết tập đoàn đã trực tiếp vào cuộc vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn… lên kế hoạch triển khai tiếp khi có tiền.
“Làm gì cũng phải có tiền. Nếu không có quyết sách sớm thì dự án đóng cửa sớm. Không có tiền không thanh toán được lương, không trả được nợ cho nhà cung cấp... Anh em hoang mang, nhiều cán bộ đã bỏ đi. 32.000 tỉ đồng nằm đây. Đau xót và lo lắng vô cùng", ông Thanh chia sẻ.
Cứu dự án ngay trong tháng 7
Trước thực trạng trì trệ của dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ngành phải nhanh chóng gửi ý kiến để Bộ tổng hợp trình Thủ tướng, trình Thường trực Chính phủ vào cuối tháng 7 này dựa trên các đề xuất của PVN.
“Chúng ta phải quyết liệt, không kéo dài thời gian ngưng trệ của dự án, tránh lãng phí thất thoát tài sản của Nhà nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị PVN cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án. Bên cạnh đó, PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành, đồng thời cơ cấu kiện toàn lại tổng thầu PVC, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm...
Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo làm đầu mối đôn đốc đơn vị bộ, ngành góp ý, chỉ đạo và trả lời chính thức về những nội dung trong văn bản đề xuất, báo cáo Thường trực Chính phủ.
Tuyết Nhung