Thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào.
Bộ Công Thương mới đây đã có đánh giá về sản xuất ô tô nói riêng và thị trường ô tô nói chung. Về sản xuất ô tô, Bộcho biết sản lượng sản xuất ô tô tháng 8 đạt 30.400 chiếc, giảm 3,7% so với tháng trước và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung cả 8 tháng, sản lượng sản xuất ô tôtăng 10,7% so với cùng kỳ khi đạt khoảng 15.600 chiếc.
Năm nay, tháng 8 dương lịch trùng với tháng 7 âm lịch nên lượng xe ô tô tiêu thụ chùng xuống do tâm lý người dân không mua sắm tài sản lớn trong tháng Ngâu. Tuy nhiên, các hãng sản xuất xe ô tô và các nhà nhập khẩu đều đang dồn lực sản xuất và nhập khẩu để đón đợt mua sắm cuối năm.
"Thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào", Bộ Công Thương đánh giá.
Bộ dự báosang quý 4 thị trường ô tô sẽ ổn định để đón dịp cao điểm mua sắm ô tô cuối năm. Từ đâu năm đến nay, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng liên tục, có thời điểm tăng trên 600% với xe 9 chỗ ngồi trở xuống.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến đột biến trong nhập khẩu ô tô từ đầu năm đến nay là do ảnh hưởng từ chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu ASAEN về 0% từ đầu năm 2018.
Cùng với đó là việc Nghị định 116 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô (ban hành ngày 17.10.2017) có các yêu cầu khắt khe về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng ô tô… Thời gian đầu khi Nghị định 116 ra đời, thị trường ô tô có chững lại để “nghe ngóng” nhưng sau đó nhập khẩu xe tăng cao trở lại. Cụ thể, thời điểm 6 tháng cuối năm 2018 nhập khẩu ô tô không lớn nhưng từ đầu năm 2019 thì tăng rất mạnh.
"Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ôtô nội địa và cán cân thương mại", Bộ Công Thương nhìn nhận.
Trướcdự báo về việc nhập siêu của ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỉ USD, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, không chỉ các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu mà còn là thách thức trong kiểm soát thị trường nội địa và kiểm soát nhập siêu.
Trong thời gian tới, khi EVFTA được thông qua, các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên của hiệp định này cũng sẽ có giá cạnh tranh hơn nhờ các ưu đãi thuế quan. Điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, cần phải tính toán tất cả các phương án, dư địa có thể sử dụng kể cả các sắc thuế nội địa trên cơ sở phù hợp với các cam kết hội nhập… để có chính sách đồng bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia gắn với bảo vệ thị trường nội địa, doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng, nhằm phát triển được ngành công nghiệp ô tô trong nước - một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm được xác định ưu tiên phát triển.
Ô tô hiện là 1 trong 33 mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch đạt trên 1 tỉ USD trong 8 tháng qua. Trong giai đoạn này, kim ngạch nhập khẩu ô tô đạt 4,9 tỉ USD, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện ô tô dưới 9 chỗ và linh kiện ô tô là hai mặt hàng trong danh sách các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cần kiểm soát: Ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi tăng 239,7%, linh kiện phụ tùng ô tô tăng 18,1%, linh kiện phụ tùng xe máy tăng 30,5%...
Tuyết Nhung