Nhiều lần tôi nhận được câu hỏi tại sao du lịch Việt Nam chưa phát triển? Tại sao du khách Việt Nam chưa mặn mà với các sản phẩm du lịch trong nước...", ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch – tâm sự.

Du lịch Việt Nam: Kích cầu giảm giá nhưng đừng giảm chất lượng dịch vụ

23/06/2020, 11:25

Nhiều lần tôi nhận được câu hỏi tại sao du lịch Việt Nam chưa phát triển? Tại sao du khách Việt Nam chưa mặn mà với các sản phẩm du lịch trong nước...", ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch – tâm sự.

Tại một sự kiện du lịch mới đây, ông Nguyễn Công Hoan – Tổng Giám đốc CTCP Flamingo Redtours, đồng thời là Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam – chia sẻ một góc nhìn khác quanh câu chuyện kích cầu du lịch.

Ông Hoan cho biết ý kiến của ông không đại diện cho Flamingo Redtours, mà là đóng góp với tư cách Ban chủ nhiệm Liên minh kích cầu Du lịch Việt Nam hoặc Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Những phong trào lớn gần đây như "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" đã có những tác động nhất định, nhưng ông Hoan cho rằng các doanh nghiệp du lịch khi khai thác khách Việt Nam không thể trông chờ vào tình yêu của du khách, trông chờ vào sự thông cảm, đồng cảm, mà trong giai đoạn này cần xác định " ngành du lịch chinh phục du khách Việt".

Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp du lịch cần thu hút khách Việt bằng những sản phẩm du lịch Việt Nam hấp dẫn, chứ không phải câu chuyện "giải cứu du lịch Việt" xuất phát từ việc chia sẻ khó khăn trong ngành du lịch.

Đây là lúc khắc phục 3 yếu tố du lịch Việt chưa hút được du khách Việt: Giá cao, Sản phẩm kém, Ý thức phục vụ chưa tốt

Ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ảnh: Tiền phong.

"Nhiều lần tôi nhận được câu hỏi tại sao du lịch Việt Nam chưa phát triển? Tại sao du khách Việt Nam chưa mặn mà với các sản phẩm du lịch trong nước. Cái thì xác định giá cao, cái thì dịch vụ kém, sản phẩm du lịch nhàm chán, đơn điệu, rồi ý thức của người làm du lịch, đặc biệt đối với du khách Việt còn chưa tốt, vẫn có sự phân biệt đối xử".

"Tới đây, những doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp lữ hành nói riêng phải làm tốt hơn, hoàn thiện hơn rất nhiều, để làm sao sản phẩm dịch vụ của mình chinh phục được du khách Việt", ông Hoan nói.

Từ góc nhìn của Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Hoan cho biết có 3 yếu tố mà du lịch Việt chưa thu hút được khách nước nhà: Giá cao; Sản phẩm – dịch vụ kém, nhàm chán, đơn điệu; và Ý thức phục vụ chưa tốt.

"Chúng tôi sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để mọi người ai cũng có thể tiếp cận được. Người có khả năng chi trả thấp thì có sản phẩm du lịch tiết kiệm. Người có khả năng chi trả cao sẽ có sản phẩm du lịch chất lượng cao với dịch vụ hấp dẫn... Làm sao để du khách không chỉ đi du lịch một lần mà còn muốn quay trở lại tiếp tục du lịch lần nữa".

"Đây là thời điểm vàng kích cầu du lịch, tới đây sẽ không còn là kích cầu nữa mà là thời điểm vàng phát triển du lịch nội địa. Tức, không "kích" nữa mà phát triển với những mục tiêu về số lượng khách, số lượng sản phẩm du lịch, và đặc biệt là mục tiêu giá trị sản phẩm du lịch mà ngành du lịch cung cấp cho du khách Việt, để làm sao phát triển một ngành du lịch Việt Nam với thị trường nội địa bền vững, chứ không chỉ giới hạn trong năm nay khi chúng ta bị ảnh hưởng bởi Covid-19", Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.

Ông Hoan cho rằng phải nhìn với tầm nhìn dài hạn. Ngay cả khi thị trường quốc tế phục hồi, thì du khách Việt vẫn phải được quan tâm và sản phẩm dành cho du khách Việt vẫn là sản phẩm trọng điểm mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quan tâm và đầu tư một mức độ xứng đáng.

Kích cầu giảm giá nhưng đừng giảm chất lượng dịch vụ

Khi các chương trình kích cầu du lịch được phát động, một lẽ dĩ nhiên là kích cầu sẽ giảm giá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ ra 2 hệ lụy của câu chuyện này: Một là giảm giá kéo theo cuộc đua phá giá, hoặc vì giảm giá quá sâu mà khiến dòng tiền – huyết mạch của doanh nghiệp bị ảnh hưởng; Hai là có tình trạng doanh nghiệp giảm giá thì giảm luôn cả chất lượng dịch vụ.

Bà Trần Nguyện - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sungroup - cho rằng kích cầu là đương nhiên sẽ giảm giá, nhưng không những giữ vững được chất lượng sản phẩm dịch vụ mà phải tăng thêm giá trị, tăng thêm tiện ích cho khách hàng để họ cảm nhận được lúc này họ đang trả một mức chi trả thấp hơn so với các năm khác mà đang nhận giá trị tốt hơn.

"Chúng tôi nghĩ rằng để kích cầu, chúng ta phải thực sự có sự đầu tư vào sản phẩm. Mặc dù chúng ta đang rất khó khăn, bị tụt giảm doanh thu rất nhiều, nhưng lúc này chỉ dựa vào khách nội địa – phần đông đi rất nhiều điểm du lịch của Việt Nam. Cho nên, để thu hút họ, việc đầu tiên là yếu tố an toàn, tiếp theo là chính sách giá tốt, nhưng nếu thưc sự sản phẩm không hấp dẫn, không mới, không thể để khách hàng có động lực quay lại tốt hay quay lại nhiều lần".

"Lúc này tôi nghĩ chúng ta cùng gạt đi cá nhân riêng để kích cầu cho điểm đến nói chung thì mới thay đổi được một phần hậu Covid. Các doanh nghiệp làm du lịch cùng cam kết với việc hãy kích cầu giảm giá nhưng không phá giá, hay là kích cầu giảm giá nhưng phải tăng chất lượng dịch vụ, chứ không phải giảm chất lượng dịch vụ vì giá giảm", bà Nguyện nói.

Làm sao để người Việt đi Phú Quốc cũng như đi Châu Âu, luôn muốn trở lại du lịch nhiều lần

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khách Việt Nam, ông Phạm Minh Quang - Tổng Giám đốc Dolphin Tour Việt Nam - nhìn nhận việc trông chờ vào khách quốc tế khó khả thi, khi lượng khách quốc tế cũng như mức chi tiêu dự tính của họ ở thị trường Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào thời điểm và mức độ mở cửa thị trường du lịch của Việt Nam, mà còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế của nước họ.

"Trước họ chi tiêu 1.000 USD, giờ họ có thể chỉ chi tiêu 300 USD thôi thì họ cũng phải tính toán lại việc đến Việt Nam. Cho nên, việc trông đợi vào quốc tế, tôi cho rằng chưa nên trông đợi ở giai đoạn này. Nếu giai đoạn này khai thác được tiêu dùng trong nước thì có cơ hội sinh tồn tốt hơn và đón sóng phát triển về sau", ông Quang nhận định.

Về nhu cầu của du lịch của người dân, tại thời điểm này, các doanh nghiệp đang tập trung vào chuyện kích cầu, tập trung vào giá. Bên cạnh việc đánh trực diện vào "nồi cơm" của doanh nghiệp, việc kích cầu này chỉ phục vụ cho nhu cầu cơ bản của người dân là trước họ muốn đi Quy Nhơn chẳng hạn, giá trước đây là 10 triệu đồng, nay giá còn 5 triệu sẽ kích thích họ đi.

Nhưng xét về lâu dài, Tổng Giám đốc Dolphin Tour Việt Nam cho rằng ngành du lịch phải hút được "nhu cầu nâng cao" của người dân. Tức, trả lời được câu hỏi: Vì sao "tôi" lại muốn đi Quy Nhơn? Vì sao "tôi" chọn đi Phú Quốc? Vì sao tôi muốn quay lại?...

Là sếp một doanh nghiệp chuyên outbound, bản thân ông Quang đã đi 40 nước trên thế giới, và ông luôn đặt câu hỏi tại sao nhiều người Việt đã đi và thích quay trở lại Châu Âu, mà lại không thích đi lại Việt Nam.

"Thường người Việt đi một điểm du lịch, ví như Phú Quốc, đi 1 lần thì vài năm sau mới trở lại. Vậy làm sao để tôi muốn đi Phú Quốc 1 lần/tháng hoặc một năm đi vài lần?"

"Nền kinh tế phụ trợ từ cấp chính quyền, dịch vụ địa phương, ăn uống lưu trú phải cải tiến và luôn đổi mới để thu hút khách hàng. Đó là nhu cầu nâng cao, chứ không phải chúng ta đến Phú Quốc chỉ đơn giản đi nghỉ dưỡng, ngắm biển. Làm sao phải tìm được con đường có sức sống dài hạn với khách nội địa", ông Quang nói.

Theo Tri Thức Trẻ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Việt Nam: Kích cầu giảm giá nhưng đừng giảm chất lượng dịch vụ