Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21.10 tuyên bố nước này sẽ không xuất khẩu vũ khí sang Ả Rập Saudi khi cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi vẫn chưa được làm rõ.
Tại sự kiện vận động cho đảng của mình trong một cuộc bầu cử địa phương, Thủ tướng Merkel phát biểu: “Đầu tiên, chúng tôi lên án hành động này (sát hại nhà báo Khashoggi) với thái độ mạnh mẽ nhất. Thứ hai, làm rõ chuyện gì đã xảy ra là điều cần thiết. Chúng tôi vẫn chưa biết được chân tướng và ai là thủ phạm. Xuất khẩu vũ khí không thể diễn ra trong tình cảnh hiện tại”. Bà cũng cho biết sẽ tiếp tục tham vấn với các đối tác quốc tế để phối hợp đưa ra phản ứng về vụ việc.
Bộ Kinh tế Đức trước đó vào ngày 19.10 xác nhận nước này đã chấp thuận bán số vũ khí có tổng giá trị 416,4 triệu euro cho Ả Rập Saudi trong năm nay, biến quốc gia Trung Đông này trở thành khách hàng lớn thứ 2của Đức chỉ sau Algeria.
Tuy nhiên vì vụ nhà báo Khashoggi, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas một ngày sau lại tuyên bố ông “không thấy có cơ sở nào để quyết định tiếp tục xuất khẩu vũ khí cho Ả Rập Saudi”.
Tuyên bố của Thủ tướng Merkel được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Đức, Anh, Pháp ra tuyên bố chung thúc giục Ả Rập Saudi lý giải rõ ràng. Ba nước còn yêu cầu Riyadh đưa ra bằng chứng cho thấy lời giải thích nhà báo Khashoggi chết vì ẩu đả thuyết phục.
Trước đó, Ả Rập Saudi tuyên bố Khashoggi xảy ra tranh cãi với một số người ông gặp tại lãnh sự quán của nước này tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn đến một cuộc ẩu đả khiến nhà báo thiệt mạng.
Thái độ cứng rắn của Đức trái ngược với Mỹ. Dù cũng không hài lòng với lời giải thích mà Riyadh đưa ra nhưng phía Washington lại cho rằng còn quá sớm để nước này đưa ra bất cứ phản ứng nào, bao gồm cả trừng phạt, do các cuộc điều tra vẫn chưa đưa ra kết quả cuối cùng.
Không chỉ có quan hệ buôn bán vũ khí, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn cần đến Ả Rập Saudi cho nhiều ưu tiên chính sách đối ngoại như kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ vợ chưa cưới củanhà báo bị sát hại
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Anadolu ngày 21.10 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai cảnh sát bảo vệ bà Cengiz, vị hôn thê của nhà báo Khashoggi.
Vào ngày ông Khashoggi mất tích, bà Cengiz đứng đợi hàng tiếng đồng hồ bên ngoài lãnh sự quán Ả Rập Saudi trước khi liên lạc với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ theo lời dặn của ông Khashoggi.
Sau khi Ả Rập Saudi thừa nhận nhà báo bị sát hại, bà viết trên trang Twitter cá nhân: “Họ đã cướp đi thân thể ông khỏi thế giới này, nhưng nụ cười tươi đẹp của ông sẽ còn mãi trong thế giới của tôi”.
Cẩm Bình (theo Reuters, RT)