Giới chức hai nước Đức và Pháp ngày 7.5 khẳng định sẽ duy trì Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà các cường quốc đã đạt được với Iran năm 2015, ngay cả khi Mỹ rút khỏi.
Trong buổi họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá JCPOA khiến thế giới an toàn hơn. Thỏa thuận bị hủy bỏ sẽ đem lại nguy cơ leo thang căng thẳng.
“Chúng tôi không thấy có lý do chính đáng nào để rút khỏi thỏa thuận và sẽ tiếp tục tranh luận vấn đề này với những người bạn Mỹ. Chúng tôi sẽ làm việc về quyết định của Mỹ, nhưng như ông Jean-Yves đã nói, chúng tôi muốn tuân thủ thỏa thuận”, Ngoại trưởng Maas tuyên bố.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Le Drian cam kết Pháp, Đức và Anh sẽ duy trì JCPOA, bất chấp Mỹ ra quyết định gì sắp tới. Theo ông: “Chúng tôi quyết tâm cứu thỏa thuận này do nó chống lại sự gia tăng hạt nhân cũng như là biện pháp đúng đắn để ngăn Iran có vũ khí hạt nhân”.
Theo JCPOA, nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, Iran đổi lại sẽ được quốc tế dỡ bỏ các trừng phạt tài chính - kinh tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là một thỏa thuận tồi tệ, dọa sẽ rút khỏi bằng cách nối lại lệnh cấm vận Iran nếu các nước châu Âu tham gia kýkết không sửa lại JCPOA theo ý ông (hạn chót là ngày 12.5).
Trong ngày 7.5, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng ông sẽ ra quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran vào chiều 8.5 (giờ Mỹ).
Pháp, Đức, Anh trong nhiều tuần qua đã cố gắng vận động duy trì thỏa thuận. Các cuộc đàm phán với Mỹ để tìm cách thuyết phục ông Trump đổi ý cũng được tiến hành từ tháng 1. Trong nỗ lực giữ chân Washington, ba nước châu Âu đã thảo luận cách thức giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, những hoạt động hạt nhân của nước này sau năm 2025 (khi các điều khoản quan trọng của thỏa thuận hết hiệu lực) và vai trò trong các cuộc chiến tại Syria, Yemen.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố ông Trump sẽ phải hối hận khi quyết định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Cẩm Bình (theo Reuters)