Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết chính phủ nước này đang xây dựng chính sách thương mại mới với Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô, pin và sản phẩm bán dẫn từ quốc gia châu Á.
Tuần trước, hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Bộ Kinh tế Đức cân nhắc thực hiện một loạt biện pháp khiến hoạt động giao thương với Trung Quốc kém hấp dẫn hơn, chẳng hạn như giảm hoặc hủy bỏ bảo lãnh đầu tư và xuất khẩu cho Trung Quốc, dừng xúc tiến hội chợ thương mại.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck lần đầu tiên tỏ rõ quan điểm. Ông trả lời phỏng vấn của Reuters vào ngày 13.9: “Trung Quốc là đối tác thương mại được chào đón, nhưng Đức không thể cho phép chủ nghĩa bảo hộ của Bắc Kinh bóp méo cạnh tranh và sẽ không ngần ngại lên tiếng chỉ trích vi phạm nhân quyền bất chấp nguy cơ làm tổn hại thương mại”.
6 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt hơn 245 tỷ euro (246 tỷ USD).
Nhưng chính phủ Đức đương nhiệm có lập trường cứng rắn hơn do lo ngại nước này phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh Đức phải mở cửa với các đối tác và khu vực mới vì nhiều ngành nghề đang phụ thuộc quá nhiều vào bán hàng sang Trung Quốc.
“Nếu thị trường Trung Quốc đóng cửa, chúng ta sẽ gặp rắc rối trong việc bán hàng. Từ nay Đức không còn ngây thơ nữa”, theo Bộ trưởng Habeck.
Bộ trưởng Habeck không nói rõ loạt biện pháp mà Bộ Kinh tế Đức có thể thực hiện, nhưng cho biết Berlin sẽ kiểm tra đầu tư Trung Quốc ở châu Âu (đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng) chặt chẽ hơn. Ông cũng nhấn mạnh châu Âu không nên ủng hộ Sáng kiến Con đường tơ lụa của Trung Quốc vì đây là nỗ lực thâu tóm hạ tầng chiến lược châu Âu và ảnh hưởng chính sách thương mại.