Kế hoạch này khiến người dân Đức sống gần biên giới giáp Thụy Sĩ lo ngại về các vấn đề an toàn và nguồn cung ứng nước uống sạch.

Thụy Sĩ lập bãi chôn chất thải hạt nhân gần biên giới Đức gây tranh cãi

Bảo Vĩnh | 13/09/2022, 13:25

Kế hoạch này khiến người dân Đức sống gần biên giới giáp Thụy Sĩ lo ngại về các vấn đề an toàn và nguồn cung ứng nước uống sạch.

swiss-nuclear-waste2.jpg
Một nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sĩ - Ảnh: DW

Cơ quan Năng lượng liên bang Thụy Sĩ (BFE) công bố kế hoạch sẽ sử dụng một vùng đất ở miền bắc nước này để xây bãi chôn chất thải hạt nhân. Người phát ngôn BFE Marianne Zuend cho biết, Hợp tác xã Quốc gia về xử lý chất thải phóng xạ Thụy Sĩ (NAGRA) là tác giả kế hoạch này.

NAGRA được thành lập bởi chính phủ Thụy Sĩ và các công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân. Cơ quan này đề xuất xây bãi chôn chất thải hạt nhân ở vùng Laegern vốn cách thành phố Zurich 20 km về phía bắc Thụy Sĩ, cách biên giới Đức khoảng 2 km.

Ngày 10.9, NAGRA giải thích rằng sau 14 năm xem xét, đánh giá, nay họ đã kết luận dạng đất sét ở vùng này là “rào chắn địa chất” tốt nhất, có nền đá ổn định nhất so với hai địa điểm khác trong danh sách chọn lựa để xây bãi chôn. Quan chức NAGRA là Patrick Studer cho biết, chất thải hạt nhân sẽ được bọc đất sét tại bãi chôn sâu hàng trăm mét dưới đất.

Trang web của NAGRA viết: “Thời gian chôn bắt buộc khoảng 200.000 năm đối với chất thải phóng xạ mức độ cao và khoảng 30.000 năm đối với chất thải phóng xạ mức độ thấp và trung bình”.

swiss-nuclear-waste.jpg
Vùng đất được chọn làm bãi chôn chất thải hạt nhân của Thụy Sĩ - Ảnh: PA

Nguồn chất thải hạt nhân là từ 5 nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sĩ. Chúng sẽ được chôn cùng rác thải y tế và công nghiệp.

Thụy Sĩ hiện có 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, và có thể tiếp tục được vận hành cho đến khi nào vẫn bảo đảm được độ an toàn. Điều này có nghĩa chúng sẽ hoạt động cho đến những năm 2040.

Chất thải hạt nhân của Thụy Sĩ hiện đang trữ tại một bãi chứa tạm cách thị trấn biên giới Waldshut-Tiengen của Đức khoảng 15 km về phía nam.

NAGRA nói rằng, năm 2024 sẽ trình kế hoạch xây bãi chôn chất thải hạt nhân để chính phủ xem xét thông qua và sau đó chờ được Quốc hội Thụy Sĩ phê duyệt kế hoạch lập “Bãi ngầm chứa các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cùng các chất thải phóng xạ”, theo cách gọi của NAGRA.

Dự kiến sẽ phải mất nhiều năm mới xong thủ tục phê duyệt, và nếu được thông qua thì việc xây dựng có thể sẽ bắt đầu sớm nhất là từ năm 2031. Bãi chôn sẽ đi vào hoạt động từ năm 2050.

Tờ báo Deutsche Welle ngày 12.9 cho biết, Thụy Sĩ còn có thể phải tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch xây bãi chôn chất thải hạt nhân. Chính phủ Thụy Sĩ dù chưa tính chuyện bồi thường cho các vùng bị ảnh hưởng từ kế hoạch xây bãi chôn, nhưng để ngỏ khả năng này.

Trong khi đó, Chính phủ Đức khẳng định sẽ sớm tổ chức đối thoại với Thụy Sĩ để biết thêm về kế hoạch của nước láng giềng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói sẽ trao đổi về kế hoạch “thông qua kênh liên lạc bình thường với tất cả những quan chức có trách nhiệm trong chính phủ Thụy Sĩ”.

Berlin cũng đang xem xét chi tiết của kế hoạch này, và nói sẽ không đồng tình với việc đưa chất thải hạt nhân đến bãi chôn (nếu có) của Thụy Sĩ.

Người phát ngôn của Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân Đức nói rằng nước này đã quyết xây bãi chôn riêng và không chia sẻ nó với các đồng minh châu Âu. Kế hoạch này có thể sẽ được đề cập từ năm 2031. Bộ cũng đã cảnh báo bãi chôn chất thải hạt nhân của Thụy Sĩ sát biên giới Đức “sẽ là gánh nặng cho cộng đồng dân cư ở phía Đức”.

Các cộng đồng dân cư Đức ở dọc biên giới giáp Thụy Sĩ đang rất lo ngại về sự an toàn nguồn nước uống, nếu như nước láng giềng tiến hành kế hoạch xây bãi chôn chất thải hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân từ lâu là một vấn đề nhạy cảm ở Đức, quốc gia đã lên kế hoạch chấm dứt hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại kể từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn châu Âu đang khiến có khả năng Đức vẫn để 2 nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động.

Bài liên quan
Phần Lan xây 'nơi an nghỉ cuối cùng' của chất thải hạt nhân
Các cư dân tại một thành phố miền tây Phần Lan bằng lòng sống gần một bãi chôn chất thải hạt nhân vĩnh viễn đầu tiên của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thụy Sĩ lập bãi chôn chất thải hạt nhân gần biên giới Đức gây tranh cãi