Thủ tướng Naftali Bennett cho biết Israel có thể chứng kiến 40% dân số của mình nhiễm SARS-CoV-2 trong làn sóng dịch hiện tại, chủ yếu do biến thể Omicron gây ra.
Ông Naftali Bennett mô tả biến thể Omicron như "một cơn bão đang quét qua thế giới" trong loạt tweet hôm 9.1.2022.
“Thông tin được trình bày tại cuộc họp nội các cho thấy rằng tại Israel, tổng số từ 2-4 triệu người dân sẽ nhiễm SARS-CoV-2 trong làn sóng dịch hiện nay. Tôi hiểu các bạn sẽ thất vọng, nhưng đề nghị các bạn nhận thức được điều đó”, Thủ tướng Israel cho hay.
Hôm 2.1.2022, Eran Segal, nhà khoa học dữ liệu tại Viện Khoa học Weizmann và là cố vấn của chính phủ Israel, cũng cho rằng 2 - 4 triệu người có thể mắc COVID-19 từ nay đến cuối tháng 1.2022 do Omicron.
Với 9,4 triệu dân, Israel có số ca COVID-19 gần gấp 4 lần trong tuần qua so với tuần trước đó. Hôm 8.1.2022, Bộ Y tế Israel ghi nhận 22.398 ca COVID-19 mới.
Đến cuối tháng 12.2021, Israel cố gắng ngăn chặn Omicron ở mức độ nào đó nhưng với tỷ lệ lây nhiễm đang tăng nhanh, số ca COVID-19 hàng ngày dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong 3 tuần tới. Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel - Nachman Ash cho biết điều này có thể dẫn đến khả năng miễn dịch cộng đồng.
Ông Nachman Ash nói với đài 103FM Radio: “Cái giá phải trả sẽ là rất nhiều. Con số sẽ phải rất cao để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Điều này có thể xảy ra nhưng chúng tôi không muốn tiếp cận nó bằng các cách lây nhiễm. Chúng tôi muốn nó xảy ra do nhiều người đã tiêm vắc xin".
Khả năng miễn dịch cộng đồng là thời điểm mà một quần thể được bảo vệ khỏi vi rút SARS-COV-2, thông qua tiêm vắc xin hoặc bởi những người phát triển kháng thể do từng mắc COVID-19.
Tính đến 7.1.2020, 64,7 % dân Israel đã tiêm 2 liều vắc xin COVID-19, nhưng chỉ mới 46,8% người tiêm mũi vắc xin thứ 3.
Vừa qua, Israel đã phê duyệt mũi vắc xin thứ 4 cho người từ 60 tuổi, nhân viên y tế và những ai bị suy giảm miễn dịch.
Thủ tướng Naftali Bennett cho biết mũi vắc xin COVID-19 thứ 4 của Pfizer-Biontech tăng cường kháng thể gấp 5 lần sau khi tiêm 1 tuần, trích dẫn những phát hiện sơ bộ của một nghiên cứu ở nước này.
"Một tuần sau liều vắc xin thứ tư, chúng tôi biết ở mức độ chắc chắn cao hơn rằng tiêm liều này là an toàn", ông Naftali Bennett nói tại Trung tâm Y tế Sheba, nơi tiêm mũi tăng cường thứ hai ở một cuộc thử nghiệm giữa các nhân viên của mình trong bối cảnh gia tăng toàn quốc về số ca nhiễm biến thể Omicron.
Naftali Bennett cho biết thêm: "Tin tức thứ hai: Chúng tôi biết rằng một tuần sau khi chích liều thứ 4, chúng tôi thấy số lượng kháng thể ở người được tiêm chủng tăng gấp 5 lần. Điều này rất có thể đồng nghĩa với sự gia tăng đáng kể chống lại nhiễm vi rút, nhập viện và các triệu chứng nghiêm trọng".
Israel đóng vai trò hàng đầu trong việc nghiên cứu tác dụng của vắc xin COVID-19, là quốc gia triển khai tiêm chủng 2 liều ban đầu nhanh nhất cho người dân 1 năm trước. Israel cũng là một trong những nước đầu tiên tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ 3.
Đức xem xét độ tin cậy của xét nghiệm nhanh với Omicron
Đức sẽ nghiên cứu về mức độ đáng tin cậy của các xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong việc phát hiện biến thể Omicron, Bộ trưởng Bộ Y tế Karl Lauterbach cho biết hôm 9.1.2022.
"Chúng tôi không biết chính xác những xét nghiệm này hoạt động tốt như thế nào với Omicron. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu không thực hiện xét nghiệm nào thì sẽ quá nguy hiểm", ông Karl Lauterbach, một nhà khoa học và bác sĩ, nói trên kênh phát thanh công cộng ARD, đồng thời cho biết thêm kết quả đánh giá sẽ có trong vài tuần tới.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Mỹ, lấy mẫu từ mũi rồi xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể không phát hiện ra Omicron trong vài ngày đầu tiên sau khi nhiễm biến thể này. Xem chi tiết tại đây.
Trước đó, Karl Lauterbach nói rằng Đức phải cải tiến chiến lược tiêm vắc xin COVID-19 của mình để đối phó với biến thể Omicron và để đảm bảo nước này có thể phát triển một loại vắc xin mới nhanh chóng nếu phải đối mặt với biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn trong tương lai.
Mới đây, truyền thông quốc tế xôn xao trước thông tin các nhà khoa học ở Cộng hòa Síp phát hiện biến thể mới kết hợp các yếu tố của Delta và Omicron. Biến thể này được đặt tên là Deltacron.
Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis tại Đại học Síp cho biết: "Hiện nay có các ca nhiễm cả biến thể Omicron và Delta. Chúng tôi phát hiện ra chủng SARS-CoV-2 kết hợp giữa hai biến thể này".
Ông nói thêm Deltacron mang bộ gien của biến thể Delta nhưng có các dấu hiệu di truyền giống Omicron.
Leondios Kostrikis và nhóm nghiên cứu của ông đã xác định được 25 ca nhiễm Deltacron. Tần suất Deltacron xuất hiện ở những người nhập viện cao hơn những người không nhập viện. Điều này cho thấy Deltacron có khả năng gây nguy cơ nhập viện cao.
Trình tự gien của 25 ca nhiễm Deltacron đã được gửi tới GISAID, cơ sở dữ liệu quốc tế chuyên theo dõi những thay đổi của vi rút.
Hiện chưa rõ Deltacron có dễ lây lan hơn Omicron và gây bệnh nặng hơn Delta không. Song theo ông Leondios Kostrikis, Deltacron khó vượt Omicron về tốc độ lây nhiễm.
Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Síp - Michalis Hadjipantelas xác nhận biến thể Deltacron được phát hiện ở nước này nhưng hiện chưa làm dấy lên bất kỳ lo ngại nào.
Trở lại Đức, Viện Robert Koch (RKI) về bệnh truyền nhiễm cho biết Omicron hiện chiếm 44% các ca COVID-19 ở nước này.
Hôm 9.1.2022, RKI đã ghi nhận 36.552 ca COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, gấp 3 lần con số một tuần trước đó.
Hạ viện sẽ sớm thảo luận về dự thảo luật về quy định tiêm vắc xin chung được ủng hộ bởi các doanh nghiệp và khu vực công, nhưng bị trì hoãn trong bối cảnh không chắc chắn về sự đồng tình thống nhất trong chính phủ liên minh ba đảng.
Lauterbach, thuộc đảng Dân chủ Xã hội, ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm vắc xin COVID-19 bắt buộc và Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann thuộc đảng Dân chủ Tự do cũng thúc giục Quốc hội sớm quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên, thủ lĩnh của đảng Xanh, Britta Hasselmann, cho biết các đảng phải thảo luận nội bộ vấn đề này trước.
"Đó không phải là một quyết định dễ dàng, nó bao hàm một sự can thiệp sâu", bà Britta Hasselmann nói.